Tuần trước, giá dầu thế giới tăng mạnh, được hỗ trợ bởi rủi ro địa chính trị, với dầu Brent tăng hơn 8%, mức tăng lớn nhất trong một tuần kể từ tháng 1/2023, trong khi dầu WTI tăng 9,1%, cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2023.
Trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần, thị trường dầu ít biến động do cân nhắc liệu xung đột ở Trung Đông có lan rộng hay không. Chính vì vậy, giá dầu WTI chỉ giảm nhẹ có 1 cent, giá dầu Brent giảm 21 cent.
Tuy nhiên, sau khi Iran dội loạt tên lửa đạn đạo vào Israel đêm 30/9 để trả đũa chiến dịch của Israel chống lại đồng minh Hezbollah của Tehran ở Lebanon thì giá dầu đã bắt đầu tăng vọt. Kết thúc phiên giao dịch thứ 2 của tuần, giá dầu tăng khoảng 3%. Mặc dù bị hạn chế bởi tồn kho dầu của Mỹ tăng mạnh, nhưng giá dầu vẫn duy trì được đà tăng gần 0,5% tại phiên giao dịch thứ 3 do lo ngại xung đột leo thang ở Trung Đông có thể làm gián đoạn dòng chảy dầu thô toàn cầu từ khu vực sản xuất hàng đầu thế giới.
Lo ngại về khả năng Israel có thể tấn công vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran và Iran sẽ có hành động trả đũa đã đẩy giá dầu tăng vọt hơn 5% tại phiên giao dịch thứ tư.
Tuy nhiên, đà tăng giá dầu đã nhanh chóng dừng lại tăng sau thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ngăn cản Israel nhắm vào các cơ sở dầu mỏ của Iran. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, nếu ông ở vị trí của Israel, ông sẽ cân nhắc các giải pháp thay thế cho việc tấn công các mỏ dầu. Do đó, đà tăng vọt của giá dầu đã chững lại, ghi nhận mức tăng cao nhất 67 cent tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần.
Theo các nhà phân tích hàng hóa của JPMorgan, một cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng của Iran sẽ không phải là phương án hành động được Israel ưu tiên. Tuy nhiên, mức tồn kho dầu toàn cầu thấp cho thấy giá dầu sẽ tăng cho đến khi xung đột được giải quyết.
Dữ liệu từ dịch vụ theo dõi tàu biển Kpler cho thấy lượng hàng tồn kho hiện đang ở mức thấp hơn mức của năm ngoái khi giá dầu Brent được giao dịch ở mức 92 USD/thùng.
Công ty môi giới StoneX dự báo giá dầu có thể tăng từ 3 đến 5 USD/thùng nếu cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran bị nhắm tới.
Ngày 4/10, lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei đã xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên kể từ khi Iran tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel. Ông kêu gọi đấu tranh chống lại Israel nhiều hơn nữa. Trong khi đó, hãng thông tấn bán chính thức SNN của Iran dẫn lời Phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Ali Fadavi cho biết sẽ nhắm vào các cơ sở năng lượng và khí đốt của Israel nếu Israel tấn công nước này.
Iran là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) với sản lượng khoảng 3,2 triệu thùng/ngày, chiếm 3% sản lượng toàn cầu. Các nhà phân tích của Rystad cho biết năng lực sản xuất dự phòng của nhóm này sẽ cho phép các thành viên khác tăng sản lượng nếu nguồn cung của Iran bị gián đoạn và điều đó sẽ hạn chế đà tăng của giá dầu.
Nỗi lo về nguồn cung cũng đã dịu bớt khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya cho biết tất cả các mỏ dầu và cảng xuất khẩu của Libya đang được mở cửa trở lại.
Với 4 phiên tăng (trong đó có 2 phiên tăng mạnh) và 1 phiên giảm nhẹ, giá dầu tuần trước đã đảo chiều xác lập mức tăng tuần cao nhất trong gần một năm rưỡi qua. Kết thúc tuần, giá dầu Brent tăng 43 cent, tương đương 0,6%, lên mức 78,05 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 67 cent, tương đương 0,9%, lên mức 74,38 USD/thùng.
Thị trường sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến tại Trung Đông để có câu trả lời cho câu hỏi hiện tại là liệu nguồn cung dầu có bị gián đoạn đáng kể hay không. Giá sẽ phản ứng mạnh trước những xung đột có tính leo thang hơn nữa.