Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 39/2024

Tuần trước giá dầu bất ngờ quay đầu giảm tốc, chịu áp lực bởi thông tin rằng Riyadh đang xem xét chiến lược lấy lại thị phần trên thị trường dầu, chuẩn bị từ bỏ mục tiêu giá dầu thô không chính thức 100 USD/thùng. Điều này, theo Oilprice, có nghĩa là kế hoạch tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày mỗi tháng bắt đầu từ tháng 12 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) nhiều khả năng sẽ được triển khai.

Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu giảm nhẹ trong khoảng 60 cent do lo ngại nhu cầu giảm tại khu vực đồng euro sau dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh của khu vực này giảm mạnh trong tháng 9 khi ngành dịch vụ chiếm ưu thế của khối này trở nên trì trệ trong bối cảnh suy thoái trong sản xuất tăng.

Hoạt động kinh doanh tại Mỹ ổn định hơn vào tháng 9, nhưng giá trung bình của hàng hóa và dịch vụ tăng với tốc độ nhanh nhất trong sáu tháng, có khả năng ám chỉ lạm phát sẽ tăng trong những tháng tới.

Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee hôm thứ Hai (23/9) cho biết ông kỳ vọng "sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm lãi suất nữa trong năm tới" khi ngân hàng trung ương Mỹ tìm cách "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế, nghĩa là kiểm soát được lạm phát mà không làm sụp đổ thị trường lao động.

Việc Trung Quốc nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với lo ngại gia tăng xung đột ở Trung Đông sau cuộc không kích của Israel vào các mục tiêu của Hezbollah hôm thứ Hai (23/9) có thể ảnh hưởng đến nguồn cung trong khu vực đã hỗ trợ giá dầu bật tăng khoảng 2% lên mức cao nhất trong 3 tuần tại phiên giao dịch thứ 2 của tuần.

Sau gần một năm chiến tranh ở Gaza, Israel đang chuyển hướng tập trung vào biên giới phía bắc, nơi Hezbollah đã bắn tên lửa để hỗ trợ cho đồng minh Hamas. Các cuộc tấn công ngày càng nhiều của Israel vào Lebanon đang làm dấy lên lo ngại rằng Iran sẽ can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến, làm tăng khả năng xuất khẩu dầu mỏ bị đe dọa.

Các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ hôm thứ Hai (23/9) đã phải vội vã sơ tán nhân viên khỏi các giàn khoan sản xuất dầu ở Vịnh Mexico khi các nhà dự báo dự đoán cơn bão lớn thứ hai trong vòng hai tuần có thể quét qua các mỏ dầu ngoài khơi.

Mức tăng trong phiên giao dịch thứ 2 đã không còn tại phiên giao dịch thứ 3 của tuần. Trong phiên này, giá dầu giảm tới hơn 2% khi thị trường kỳ vọng Libya sẽ sớm khôi phục sản lượng xuất khẩu khi các phe phái đối địch tại nước này đạt được thỏa thuận chấm dứt tranh chấp và lo ngại nhu cầu dầu giảm vẫn hiện hữu bất chấp các kế hoạch thúc đẩy kinh tế mới nhất của Trung Quốc và giảm trong tồn kho xăng, dầu và sản phẩm chưng cất của Mỹ.

Giá dầu tiếp tục đà giảm sang phiên giao dịch thứ tư của tuần. Trong phiên này, giá dầu rớt gần 3% sau tin từ Financial Times cho thấy Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, sẽ từ bỏ mục tiêu giá 100 USD để chuẩn bị tăng sản lượng.

Giá dầu đã chính thức từ bỏ đà tăng của 2 tuần trước đó với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Giá dầu xác lập tuần giảm với dầu Brent mất khoảng 3% xuống mức 71,89 USD/thùng, dầu WTI lao dốc gần 5% xuống mức 68,18 USD/thùng.

Trong tuần qua, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo về nhu cầu dầu thế giới trong trung và dài hạn trong triển vọng hàng năm, với nguyên nhân là do sự tăng trưởng của Ấn Độ, Châu Phi và Trung Đông và việc chuyển dịch sang xe điện, nhiên liệu sạch đang diễn ra chậm hơn.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất và bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng nhằm tăng cường kích thích để kéo tăng trưởng kinh tế trở lại mục tiêu khoảng 5% của năm nay và chống lại áp lực giảm phát.

Nhiều biện pháp tài chính khác dự kiến sẽ được công bố trước kỳ nghỉ lễ của Trung Quốc bắt đầu vào ngày 1/10. Mặc dù vẫn chưa chắc chắn liệu các biện pháp kích thích của Trung Quốc có dẫn đến nhu cầu nhiên liệu tăng cao hay không, nhưng nó vẫn có thể sẽ mang lại sự phục hồi cho thị trường dầu mỏ.