Giá dầu tuần trước biến động tăng-giảm trong từng phiên giao dịch. Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu có một phiên tăng, ba phiên giảm, và diễn biến trái chiều một phiên.
Giá dầu bắt đầu tuần với mức tăng gần 1 USD, chịu tác động mạnh bởi việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện kéo dài đến hết năm của hai nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga, cùng với dự kiến sản lượng dầu của Mỹ từ các khu vực sản xuất đá phiến giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng tới xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023.
Đáng chú ý là trong phiên giao dịch này, giá dầu đã có thời điểm tăng lên mức 94,95 USD/thùng, chỉ còn cách 5 cent là chạm mốc 95 USD/thùng.
Tại phiên giao dịch thứ 2 của tuần, giá dầu đã chạm đỉnh mới trong 10 tháng, ở mức 95,96 USD/thùng. Những tưởng giá dầu sẽ duy trì đà leo dốc mạnh nhưng do các nhà đầu tư chốt lời sau 3 phiên tăng giá mạnh, giá dầu đã kết thúc phiên ở trạng thái lao dốc nhẹ. Trong ngày, dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm khoảng 5,25 triệu thùng trong tuần trước, gần gấp đôi so với dự đoán của các nhà phân tích. Dữ liệu này cũng không thể kéo giá dầu quay trở lại đà leo dốc.
Báo cáo một ngày sau đó của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, sản lượng dầu từ các khu vực sản xuất đá phiến dự kiến giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 10 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023.
Sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ xuống thấp làm gia tăng những lo ngại về khả năng thâm hụt nguồn cung vốn xuất phát từ việc gia hạn các kế hoạch cắt giảm nguồn cung của Saudi Arabia và Nga.
Đà trượt dốc của giá dầu tiếp tục kéo sang phiên giao dịch thứ 3 và 4 của tuần. Ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần, giá dầu giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất trong một tuần sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 20/9, nhưng vẫn củng cố lập trường “diều hâu” của mình với việc tăng lãi suất vào cuối năm lên mức 5,5% - 5,75%. Đây là lần thứ hai kể từ tháng 3/2022, các cuộc họp của Fed kết thúc mà lãi suất không tăng.
Bất chấp giá giảm, dầu Brent vẫn nằm trong vùng quá mua về mặt kỹ thuật trong ngày thứ 14 liên tiếp - chuỗi dài nhất kể từ năm 2012.
Trong phiên giao dịch thứ tư của tuần, giá dầu đã bật tăng 1 USD sau khi lệnh cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel của Nga sang tất cả các nước ngoài vòng tròn 4 quốc gia thuộc Liên Xô cũ thu hút sự chú ý từ những lực cản kinh tế phương Tây vốn đẩy giá giảm 1 USD vào đầu phiên. Nhưng kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu lại giảm nhẹ.
Giá dầu kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần trong thế trái ngược, với dầu Brent giảm nhẹ, dầu WTI tăng nhẹ. Dầu Brent kết thúc tuần ở mức giá 93,27 USD/thùng, giảm 66 cent trong cả tuần. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm 74 cent xuống mức 90,03 USD/thùng. Như vậy là giá dầu đã ghi nhận tuần giảm đầu tiên sau 3 tuần tăng giá tổng cộng hơn 10%.