Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 38/2023

Giá dầu thô có tuần tăng thứ ba liên tiếp, được thúc đẩy bởi sự mất cân đối ngày càng lớn giữa cung và cầu, cũng như báo cáo sản lượng công nghiệp mới nhất của Trung Quốc cho thấy mức tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong tháng 8.

Giá dầu tuần trước biến động không ngừng với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng. Giá dầu bắt đầu tuần trong sắc đỏ. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu gần như đi ngang với mức giảm khiêm tốn. Ở phiên giao dịch thứ ba của tuần cũng vậy. Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn đều trượt dốc nhẹ sau dữ liệu dự trữ xăng, dầu của Mỹ tăng trong tuần trước đó.

Theo CNBC, điểm đáng chú ý trong biến động giá của tuần trước là giá dầu đã có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong năm tại phiên giao dịch thứ tư của tuần. Với mức tăng lên gần mốc 95 USD/thùng của dầu Brent, nhiều nhà phân tích tin rằng, giá dầu thô có thể chạm mốc 100 USD/thùng trước khi kết thúc năm.

Giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 93,93 USD/thùng, giá dầu WTI đóng cửa ở mức 90,77 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá hai chuẩn dầu tăng 4%.

Giá dầu tăng trong bối cảnh kỳ vọng ngày càng tăng về nguồn cung thắt chặt sau khi Saudi Arabia và Nga chuyển sang giảm tồn kho toàn cầu và gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay. Cả hai nước đều cho biết sẽ xem xét lại việc cắt giảm tự nguyện hằng tháng.

Trước động thái hạn chế sản xuất của Saudi Arabia và Nga, cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 13/9 cảnh báo, việc này có thể sẽ dẫn đến tình trạng “thâm hụt thị trường đáng kể” trong quý IV/2023.

Với mức cắt giảm này, các nhà phân tích tại Bank of America cũng tin rằng giá dầu có thể sớm tăng vượt mức 100 USD/thùng.

Đồng quan điểm, các nhà phân tích do Francisco Blanch dẫn đầu cho biết trong một báo cáo nghiên cứu rằng: “Nếu OPEC+ duy trì việc cắt giảm nguồn cung liên tục cho đến cuối năm trong bối cảnh nhu cầu tích cực của châu Á, thì chúng tôi tin rằng giá Brent có thể tăng vượt 100 USD/thùng trước thềm năm 2024”.

Tuy nhiên, giá tăng như vậy cũng kéo theo áp lực lạm phát mới, điều này đã được phản ánh trong dữ liệu lạm phát được công bố trong tuần của Mỹ và sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng cho thấy lãi suất có thể duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn và có thể có tác động tiêu cực đến cả tăng trưởng kinh tế lẫn nhu cầu dầu mỏ.

Tuần trước, Libya, một thành viên của OPEC, cũng đã phải đóng cửa 4 kho cảng xuất khẩu dầu ở phía Đông do bão Daniel. Không những vậy, Kazakhstan, thành viên của OPEC và các đối tác (OPEC+) đã thông báo cắt giảm sản lượng dầu hàng ngày để bảo trì hệ thống nên ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường dầu mỏ thế giới.