Giá dầu bắt đầu tuần trước trong sắc đỏ với dầu Brent và WTI đều giảm hơn 2 USD xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng do áp lực của đồng USD mạnh lên khi những người tham gia thị trường chờ đợi thông tin chi tiết về các lệnh trừng phạt mới đối với Nga.
Song, giá dầu đã lấy lại được đà tăng trong phiên giao dịch tiếp theo. Mức giảm của phiên giao dịch đầu tuần đã nhanh chóng được phục hồi. Giá dầu được hỗ trợ bởi nguồn cung thiếu hụt ở vịnh Mexico của Mỹ trước cơn bão Ian và đồng USD trượt khỏi mức cao nhất trong vòng hai thập kỷ qua.
Tại phiên giao dịch thứ ba của tuần giao dịch, giá dầu tăng tới hơn 3 USD, chịu tác động bởi đồng bạc xanh giảm, tồn kho xăng của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến và nhu cầu tiêu dùng dần phục hồi.
Theo các nhà phân tích, giá dầu có thể chạm đáy khi nhu cầu của Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi và kế hoạch bán dầu dự trữ chiến lược của Mỹ sắp kết thúc. Trong khi đó, một số cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục biến động bất thường.
Tại phiên giao dịch kế tiếp, giá dầu đã có lúc tăng lên hơn 90 USD/thùng và sau đó lao dốc khi các nhà giao dịch cân nhắc triển vọng kinh tế xấu đi trước khả năng OPEC+ cắt giảm sản lượng vào tuần này.
Tiếp đà giảm, giá dầu Brent và WTI cùng lao dốc ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Dù vậy, cả hai chuẩn dầu đều đã ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong 5 tuần, được củng cố bởi khả năng OPEC+ sẽ đồng ý cắt giảm sản lượng từ 500.000 đến 1 triệu thùng/ngày cho tháng 11 tại cuộc họp diễn ra vào ngày 05/10. Tuy nhiên, cả dầu Brent và WTI đều ghi nhận quý giảm giá đầu tiên trong vòng 2 năm. Trong quý III năm nay, Brent và WTI giảm sốc lần lượt là 23% và 25%.
Stephen Brennock của công ty môi giới dầu PVM cho biết: “Hy vọng giá dầu sẽ nhận được một cú hích hỗ trợ vào tuần này”, đồng thời cho biết thêm rằng ban lãnh đạo OPEC+ sẽ muốn bảo vệ mức giá sàn 90 USD/thùng.
Các nhà phân tích cũng kỳ vọng hoạt động mua sẽ tăng lên khi Nga chuẩn bị sáp nhập 4 khu vực của Ukraine vào Nga trong một động thái có thể buộc các quốc gia phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow.
Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận ban đầu về vòng trừng phạt thứ tám đối với Nga.
Rebecca Babin, nhà giao dịch năng lượng cấp cao tại CIBC Private Wealth Management cho biết cuộc họp của OPEC+ vào tuần này là chất xúc tác lớn tác động lên giá dầu. Tuy nhiên, ông này nhận xét giao dịch cho đến lúc đó sẽ không ổn định và giá dầu sẽ tiếp tục phản ứng với sự biến động của đồng USD.
Bên cạnh đó, bất cứ kế hoạch cắt giảm sản lượng nào cũng trở nên “vô nghĩa” đối với thị trường dầu mỏ trong bối cảnh sản lượng thực tế của OPEC+ đang thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra. Theo một khảo sát của Reuters, các thành viên OPEC+ đã gia tăng sản lượng lên ngưỡng cao nhất kể từ năm 2020 trong tháng 9 nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu sản lượng trong chính tháng đó, điều không hề xa lạ trong nhiều tháng qua. Và tình trạng này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Do đó, giá dầu ít có khả năng tăng trong tuần này.