Chốt phiên 25/9, giá dầu Brent tương lai giảm 2 cent xuống 41,92 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 6 cent xuống 40,25 USD/thùng. Chốt tuần trước, giá dầu Brent, WTI lần lượt giảm 2,9% và 2,1%.
“Giá dầu vài tuần qua tăng giảm trong biên độ hẹp, bất chấp tồn kho tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm”, theo Adesina Olumide, nhà phân tích tại FX Empire. Các nhà giao dịch trở nên lo ngại trước đà phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu và số ca nhiễm Covid-19 gia tăng tiếp tục là chủ đề chính trên báo chí.
Cụ thể, cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 18/9 giảm 1,6 triệu thùng, ít hơn dự báo. Tồn kho xăng giảm 4 triệu thùng, vượt ước tính, còn tồn kho sản phẩm tinh chế bất ngờ giảm 3,4 triệu thùng.
“Tồn kho sản phẩm tinh chế bất ngờ giảm mạnh, sâu hơn mức trung bình”, Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, Chicago, bang Illinois, nói.
Cuộc họp của OPEC+ ngày 17/9 không giúp trấn an thị trường bởi không có cam kết giảm sản lượng mạnh mẽ nào cho đến cuối năm từ các nước thành viên.
Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến giá là đồng Đô la Mỹ mạnh hơn có xu hướng làm giảm nhu cầu nước ngoài đối với dầu thô được định giá bằng đồng đô la. Điều này đi đôi với sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Nguồn cung từ Libya và Iran tăng cũng có thể trở thành yếu tố giảm giá.
Libya, quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu châu Phi đang có kế hoạch tăng sản lượng từ 100.000 thùng/ngày lên khoảng 260.000 thùng/ngày trong vài ngày tới.
Một yếu tố vĩ mô không mấy tích cực nữa là thông báo từ chủ tịch Fed St. Louis James Bullard với quan điểm có thể không cần triển khai thêm gói kích thích cho kinh tế Mỹ, lý do là các doanh nghiệp và hộ gia đình đang dần thích nghi với đại dịch Covid-19.
Giá dầu WTI dự kiến giữ trên 38,5 USD/thùng trong ngắn hạn bởi Trung Quốc chịu áp lực phải tăng mua dầu thô Mỹ để đáp ứng cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, tranh thủ lúc giá mặt hàng này còn tương đối thấp.
Theo James Hyerczyk, nhà phân tích tại FX Empire, Covid-19 là yếu tố cản trở đà tăng của giá dầu. Tại châu Âu và châu Á, số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày lập kỷ lục và những biện pháp hạn chế bắt đầu được tái triển khai, hạn chế hơn nữa nhu cầu đi lại và nhiên liệu.
Tại Ấn Độ, sản lượng lọc dầu trong tháng 8 giảm 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tháng giảm sâu nhất trong 4 tháng do lực cầu suy yếu. Tại Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 19/9 bất ngờ tăng, cho thấy đà phục hồi kinh tế bấp bênh, đẩy lực cầu đi xuống.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần triển khai thêm 6 giàn khoan dầu và khí đốt, nâng tổng số giàn khoan lên 261, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Giao dịch sẽ từ đi ngang tới thấp hơn trong thời gian tới nếu số ca COVID-19 tiếp tục tăng trên toàn thế giới. Mặt khác, mối quan tâm lớn nhất sẽ là các hạn chế được gia hạn ở Mỹ, Châu Âu và Châu Á.
Việc giảm sản phẩm chưng cất là điều đáng khích lệ vì nó có thể là dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu mới. Tuy nhiên, nếu các hãng hàng không không nhận được tiền từ gói cứu trợ thì giá sản phẩm chưng cất có thể lại lao dốc.
Yếu tố khó đoán là vacxin coronavirus và cắt giảm sản xuất của OPEC +. Vacxin sẽ làm giảm số ca mắc bệnh và nới lỏng các hạn chế. Việc cắt giảm sản lượng của OPEC + đang giúp củng cố giá cả, nhưng họ có thể cần phải làm nhiều hơn nữa.
Dưới đây là môt số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 29/9
Viện dầu mỏ Mỹ ước tính số liệu tồn kho hàng tuần.
Ngày 30/9
EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô, xăng, sản phẩm tinh chế hàng tuần.
Ngày 2/10
Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ hoạt động.