Giá dầu thế giới ghi nhận tuần tăng đầu tiên sau 3 tuần lao dốc, với dầu Brent và WTI tăng lần lượt khoảng 0,8% và 1,4%.
Sự tăng tốc của giá dầu trong tuần trước được hỗ trợ chính bởi tác động của cơn bão Francine đổ bộ vào Louisiana, Mỹ.
Ngay tại phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng khoảng 1% khi thị trường lo ngại bão Francine sẽ làm gián đoạn sản xuất và lọc dầu dọc Vùng duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ.
Tuy nhiên, giá đã nhanh chóng lao dốc mạnh xuống mức thấp nhất trong 3 năm tại phiên giao dịch thứ 2 khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hạ dự báo nhu cầu cho năm 2024 và 2025. Theo OPEC, trong năm nay, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,03 triệu thùng/ngày, giảm 0,08 triệu thùng so với dự báo tăng trưởng của tháng trước, mức dự báo mà OPEC duy trì suốt từ tháng 7/2023. Cũng theo OPEC, tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2025 sẽ là 1,74 triệu thùng/ngày, giảm 0,04 triệu thùng so với dự báo trước đó.
Ngược với dự báo của OPEC, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên mức kỷ lục trong năm. Cụ thể, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ đạt trung bình khoảng 103,1 triệu thùng/ngày trong năm 2024, cao hơn so với dự báo đạt 102,9 triệu thùng/ngày trước đó.
Một lần nữa, lo ngại về việc ngừng sản xuất kéo dài tại mỏ dầu ngoài khơi của Mỹ do cơn bão Francine tiếp tục hỗ trợ giá dầu bật tăng trở lại hơn 4% tại phiên giao dịch thứ ba và thứ tư, lấy lại hết những mất mát ở phiên giao dịch thứ 2 (giảm khoảng 4%). Các số liệu chính thức cho thấy cơn bão đã làm giảm gần 42% sản lượng dầu tại khu vực chiếm khoảng 15% tổng sản lượng của Mỹ.
Song, hạn chế đà tăng của giá dầu trong hai phiên này là tồn kho dầu thô của Mỹ tăng. Theo EIA, trong tuần kết thúc vào ngày 6/9, tồn kho dầu của Mỹ tăng 833.000 thùng lên 419,1 triệu thùng, ngược so với ước tính giảm 2,79 triệu thùng của Viện Dầu khí Mỹ, đồng thời thấp hơn so với kỳ vọng tăng 987.000 thùng của các nhà phân tích.
Sản lượng dầu thô tại Vịnh Mexico của Mỹ phục hồi sau bão Francine và số lượng giàn khoan của Mỹ tăng thêm 7 – mức tăng hằng tuần lớn nhất trong 1 năm là những nhân tố đẩy giá dầu trượt nhẹ 0,5% tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Tuy nhiên, mức trượt này khá khiêm tốn nên không đủ để kéo giá dầu nới dài đà giảm của 3 tuần trước đó. Dầu Brent kết thúc tuần ở mức 71,61 USD/thùng, dầu WTI đóng cửa ở mức 68,65 USD/thùng.
Các nhà phân tích cho rằng, đà tăng của giá dầu chỉ trong ngắn hạn do tuần qua bị ảnh hưởng bởi cơn bão ngoài khơi Vịnh Mexico đã hỗ trợ giá dầu, nhiều nhà đầu tư đã chọn bán tháo các hợp đồng dầu vào cuối tuần. Khi bão tan, các nhà máy lọc dầu hoạt động bình thường, sản lượng dầu và xăng tại nhà máy lọc dầu Mỹ ổn định trở lại, lúc đó, thị trường có khả năng giảm mạnh. Giá dầu cũng bị gây sức ép lớn bởi lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu yếu, đặc biệt là từ nhà nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vẫn theo dõi sát sao cuộc khủng hoảng kéo dài trong nhiều tuần về quyền kiểm soát Ngân hàng trung ương Libya dẫn đến việc cắt giảm sản lượng dầu và xuất khẩu từ quốc gia này.
Các nhà đầu tư hiện cũng đang tập trung vào cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày (17-18/9) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), với dự đoán Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất.