Giá dầu bắt đầu tuần trước bằng phiên giao dịch đầy biến động do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, cùng với nhu cầu sụt giảm trên toàn thế giới bởi sự mạnh lên của đồng bạc xanh và khả năng các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tăng lãi suất “khủng” để kiềm chế lạm phát. Trong phiên giao dịch mở đầu tuần, giá dầu đã tăng nhẹ chưa đến 1%.
Đến phiên giao dịch tiếp theo, giá dầu giảm hơn 1%, do chịu tác động của giá USD vẫn duy trì ở mức cao.
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản đã đẩy giá dầu rớt khoảng 1% xuống mức thấp nhất gần hai tuần trong phiên giao dịch thứ ba của tuần dù đã tăng hơn 2 USD trong phiên do lo ngại Nga huy động thêm quân. Đây là lần thứ ba liên tiếp Fed tăng lãi suất tới 0,75 điểm phần trăm, lên biên độ 3-3,25% và để ngỏ các đợt tăng lãi suất lớn khác trong thời gian tới.
Chốt phiên giao dịch kế tiếp, giá dầu chỉ phục hồi được gần 1% dù đã tăng mạnh đầu phiên. Sự leo dốc của giá dầu bị kìm lại vì lo ngại về nguồn cung dầu của Nga, sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc và việc tăng lãi suất thấp hơn dự kiến của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Theo đó, BoE chỉ tăng lãi suất chủ chốt thêm 50 điểm cơ bản lên 2,25% và cho biết sẽ tiếp tục phản ứng mạnh mẽ khi cần thiết đối với lạm phát.
Bên cạnh đó, khả năng khai thác hạn chế của các quốc gia thành viên OPEC+ cũng là tác nhân giúp đẩy giá dầu đi lên. Cụ thể, sản lượng của khối này thấp hơn 3,583 triệu thùng/ngày so với mục tiêu trong tháng 8, theo nội dung tài liệu lưu hành nội bộ.
Giá dầu thực sự gây sốc tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần khi giảm mạnh khoảng 5% xuống mức thấp nhất trong 8 tháng với dầu thô Brent giảm xuống mức 86,15 USD/thùng, WTI lao xuống mức 78,74 USD/thùng. Sự trượt dốc không phanh này của giá dầu được cho là do đồng USD chạm mức cao nhất trong vòng 22 năm và lo ngại lãi suất tăng sẽ đẩy các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái, làm giảm nhu cầu dầu.
Giảm mạnh vào phiên cuối của tuần giao dịch cùng với những đợt giảm nhỏ khác trong tuần đã khiến cả dầu Brent và WTI tuần trước trải qua thêm một tuần giảm giá. Như vậy là dầu thô đã có 4 tuần giảm giá liên tiếp.
Sự mạnh lên của đồng USD, và các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát sẽ tiếp tục là những nhân tố tác động lên giá dầu trong tuần tới.
Xu hướng bán tháo có thể tiếp diễn trong tuần tới với dự báo giá dầu WTI có thể thủng các ngưỡng 78 USD/thùng và SMA 200 tháng 72,35 USD/thùng, theo Sunil Kumar Dixit, Giám đốc chiến lược kỹ thuật tại SKCharting.com.