Giá dầu bắt đầu tuần giao dịch trước với mức tăng hơn 1% do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong mùa đông tới.
Tuy nhiên, với khả năng cao Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện một đợt tăng lãi suất khủng nữa vào tuần này sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 8 bất ngờ tăng 0,1% đã đẩy giá dầu quay đầu lao dốc gần 1% tại phiên giao dịch kế tiếp.
Cũng trong ngày thứ Ba, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu mạnh mẽ cho năm 2022 và 2023, viện dẫn các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn đang hoạt động tốt hơn dự kiến bất chấp những khó khăn như lạm phát cao.
Trong phiên ngày 14/9, thông tin Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự kiến việc chuyển đổi sử dụng từ khí đốt sang dầu trong mùa đông này sẽ gia tăng mặc dù triển vọng nhu cầu vẫn ảm đạm đã giúp giá dầu lấy lại được mức đã để mất vào phiên hôm trước.
Theo IEA, nhu cầu dầu vì mục đích sưởi ấm trong mùa đông sẽ đạt trung bình khoảng 700.000 thùng/ngày từ tháng 10 năm nay đến tháng 3 năm sau, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Cũng theo IEA, suy thoái kinh tế ngày càng sâu rộng và nền kinh tế Trung Quốc chững lại sẽ gây áp lực lên giá dầu và có thể kìm hãm các đợt phục hồi giá.
Thế nhưng cả dầu thô Brent và WTI đều giảm hơn 3% xuống mức thấp nhất trong một tuần tại phiên giao dịch ngày 15/9, chịu tác động bởi các yếu tố: một thỏa thuận đạt được sau gần 20 giờ đồng hồ đàm phán để ngăn chặn cuộc đình công của công nhân đường sắt Mỹ; dự báo về nhu cầu toàn cầu yếu hơn; và sự mạnh hơn của đồng bạc xanh.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu tăng chưa đến 1% do lo ngại khả năng nguồn cung dầu bị hạn chế hơn sau sự cố tràn dầu tại kho cảng Basra của Iraq. Dầu thô Brent giao tháng 11 chốt phiên ở mức 91,35 USD/thùng, còn dầu thô WTI của Mỹ ở mức 85,11 USD/thùng.
Mức tăng nhẹ vào ngày thứ Sáu không đủ bù lại khoản lỗ ở phiên giao dịch trước đó. Vì vậy, cả dầu Brent và WTI đều chịu mức giảm gần 2% trong tuần trước và ghi nhận thêm một tuần giảm giá.
Tính từ đầu quý III cho đến nay, cả dầu Brent và WTI đều giảm khoảng 20% - mức giảm tỷ lệ phần trăm theo quý lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 năm 2020.
Các nhà phân tích hiện đều đưa ra cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái vào năm tới. Nguyên nhân lớn nhất chính là cuộc chạy đua siết chính sách tiền tệ và tài khóa trên quy mô lớn của một loạt ngân hàng trung ương. Nếu suy thoái trở thành hiện thực, nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới sẽ sụt giảm nghiêm trọng và viễn cảnh giá dầu trở về ngưỡng 0 USD như đã từng xảy ra trong giai đoạn suy thoái 2020 vì đại dịch Covid-19 một lần nữa sẽ lặp lại. Lo ngại suy thoái cùng với kỳ vọng lãi suất cao hơn của Mỹ đã tạo ra một lực đẩy khiến giá dầu giảm mạnh.
Trong tuần này, sự kiện quan trọng ảnh hưởng tới xu hướng giá dầu là cuộc họp của Fed trong ngày 20-21/9 tới. Giới chuyên gia và nhà đầu tư dự báo cơ quan này tăng lãi suất 0,75% lần thứ ba liên tiếp từ đầu năm nay. Một động thái tăng mạnh lãi suất là thông tin tiêu cực đối với giá dầu vì nó khiến đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền khác. Đồng bạc xanh tăng giá kéo giảm nhu cầu dầu mỏ của các khách hàng nước ngoài.