Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 35/2022

Giá dầu thô đã mở đầu tuần trước với mức tăng khoảng 3%, chịu tác động bởi quyết định cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày của các thành viên OPEC+ cho tháng 10 nhằm hỗ trợ giá.

Thêm vào đó, thông tin Tập đoàn Gazprom của Nga sẽ tiếp tục đóng đường ống khí đốt Nord Stream 1 tới Đức sau bảo dưỡng, nhưng không nêu thời gian mở lại cũng đã tác động không nhỏ đến biến động của giá dầu thô.

Tuy nhiên, trong hai phiên tiếp theo, với lo ngại triển vọng các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng cao lãi suất và tình hình Covid-19 ở Trung Quốc sẽ làm suy yếu nhu cầu nhiên liệu đã khiến giá dầu thô đảo ngược đà tăng, để mất hơn 8%. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 07/9, giá dầu đã giảm mạnh xuống dưới mốc 90 USD/thùng, chạm mức 88 USD/thùng.

Ngoài ra, giá dầu còn chịu sức ép bởi sự tăng mạnh của đồng USD. Đồng bạc xanh đã chạm mốc 110,27, mức cao nhất kể từ tháng 6/2002, mức đỉnh trong vòng 24 năm so với đồng yên và mức cao nhất trong vòng 37 năm so với đồng bảng Anh.

Trong tuần, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Ngân hàng Trung ương Canada tăng lãi suất thêm 0.75 điểm phần trăm lên 3,25% - mức cao nhất trong 14 năm và không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp vào cuối tháng này.

Giá dầu biến động còn bởi tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng nước này sẽ ngừng xuất khẩu dầu và khí đốt nếu giá trần đối với dầu và khí đốt Nga được áp dụng.

Vào hai phiên cuối cùng của tuần giao dịch, giá dầu thô đã leo dốc khoảng 5%, bất chấp sự gia tăng bất ngờ trong dự trữ dầu thô của Mỹ, thông tin Mỹ đang cân nhắc giải phóng thêm dầu thô từ các kho dự trữ chiến lược, lo ngại việc Trung Quốc kéo dài phong tỏa để kiềm chế Covid-19, cũng như các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất sẽ làm chậm hoạt động kinh tế và ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.

Sự tăng tốc của giá dầu đã khôi phục lại phần nào mức lỗ giữa tuần. Giá dầu thô Brent kết thúc tuần ở mức 92,84 USD/thùng, giảm 0,2% cả tuần; dầu thô WTI của Mỹ dừng ở mức 86,79 USD/thùng, giảm 0,1% cả tuần.

Giá dầu WTI trong xu hướng giảm trong hơn 10 tuần liên tiếp, hiện thấp hơn dải Bollinger trung bình hàng tuần, theo Sunil Kumar Dixit, Giám đốc chiến lược kỹ thuật tại SKCharting. Chỉ dấu stochastic hàng tuần cũng đang vùng quá bán.

“Khả năng giá dầu tăng trong ngắn hạn lên dải Bollinger trung bình hàng ngày 89,4 USD/thùng rất sáng”, ông nhận định. Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ khả năng giá dầu chịu sức ép đi xuống một lần nữa.