Giá dầu tuần trước biến động mạnh trong từng phiên giao dịch. Trong 5 phiên, giá dầu tăng 2 phiên và giảm 3 phiên, kết thúc tuần ở thế trái chiều với dầu Brent tăng 2 cent, dầu WTI giảm 19 cent. Giá dầu vẫn chịu tác động bởi xung đột ở Trung Đông, các chỉ số kinh tế của Mỹ và Trung Quốc.
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã tăng mạnh hơn 3% khi thị trường lo ngại về một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu thô toàn cầu. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nước này đã triển khai tàu ngầm trang bị tên lửa dẫn đường đến Trung Đông. Trong khi đó, Iran và Hezbollah đã thề sẽ trả đũa Israel sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh và chỉ huy quân sự Hezbollah Fuad Shukr. Nếu Iran tấn công, Mỹ có thể sẽ áp lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran, gây ảnh hưởng đến nguồn cung 1,5 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, Iran vẫn chưa có hành động nào ngoài lời đe dọa sẽ trả đũa Israel đã đẩy dầu Brent và WTI giảm gần 2 USD ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần. Theo Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, một cuộc tấn công của Iran vào Israel trong vòng 24 đến 48 giờ đã không xảy ra. “Thị trường đang loại bỏ khoản phí bảo hiểm rủi ro đó ra khỏi giá dầu thô khiến giá dầu lao dốc”.
“Ít nhất cho đến nay, tình trạng gián đoạn nguồn cung mang tính lý thuyết nhiều hơn là thực tế”, Brett Friedman, cộng tác viên của nhà cung cấp dữ liệu thị trường OptionMetrics, cho biết. Theo Friedman, “điều đó cho phép thị trường tập trung vào phía cầu”.
Đà giảm của giá dầu được kéo dài sang phiên giao dịch thứ 3 với mức giảm hơn 1%. Sự trượt dốc này là do tồn kho dầu của Mỹ bất ngờ tăng 1,4 triệu thùng sau 5 tuần giảm liên tiếp, ngược so với ước tính giảm 2,2 triệu thùng của các nhà phân tích và ngược so với số liệu giảm tới 5,21 triệu thùng của Viện Dầu khí Mỹ.
Sau đó, giá dầu quay đầu phục hồi ở phiên giao dịch thứ tư. Dữ liệu kinh tế của Mỹ đã xoa dịu nỗi lo suy thoái tại nền kinh tế lớn nhất thế giới và điều này hỗ trợ giá dầu tăng hơn 1 USD tại phiên này. Chỉ số giá tiêu dùng (PCI) của Mỹ trong tháng 7 tăng ở mức vừa phải và tốc độ tăng lạm phát hằng năm chậm lại xuống dưới 3% lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021 càng củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới.
Các nhà đầu tư giảm kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu từ nước nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc đã đẩy giá dầu trở lại đà giảm.
Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán ngừng bắn đã bị tạm dừng vào thứ Sáu và các cuộc đàm phán dự kiến sẽ được tiếp tục diễn ra vào tuần tới khiến giá dầu tiếp tục giảm trở lại. Tại phiên giao dịch thứ 5 của tuần, giá dầu trượt dốc gần 2%. Giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 79,68 USD/thùng, giá dầu WTI đóng cửa ở mức 76,65 USD/thùng.
Thị trường dầu mỏ đã có một tuần đầy biến động do lo ngại gián đoạn nguồn cung bởi xung đột ở Trung Đông lan rộng, và tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. Nếu tình hình ở Trung Đông không leo thang thêm nữa, giá dầu có thể sẽ giữ nguyên và có thể thiếu định hướng cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định có nên cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào tháng 9 hay không.