Tuần trước, giá dầu ghi nhận tuần tăng thứ 7 liên tiếp mặc dù mức tăng khá khiêm tốn, chỉ khoảng 0,5%.
Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu đã giảm 2 phiên và tăng 3 phiên. Ngay ở phiên đầu tiên của tuần, giá dầu đã bất ngờ lao dốc hơn 1% do các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu yếu hơn từ Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, khi thị trường tiếp nhận dự báo triển vọng kinh tế khả quan hơn của Mỹ, giá dầu đã lấy lại mức để mất, tăng gần 1 USD. Song, hạn chế đà tăng của giá dầu trong phiên là dữ liệu cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng trong tháng 7 nhưng xuất khẩu giảm 14,5%, tuy nhiên lượng nhập khẩu dầu thô hằng tháng lại thấp hơn mức cao gần kỷ lục của tháng 6 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1. Ngoài ra, dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng sau tuần giảm kỷ lục trước đó.
Tiếp đà, giá dầu tăng gần 2% ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần sau khi kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh và việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga bù đắp cho những lo ngại về nhu cầu chậm từ Trung Quốc.
Sau 2 phiên tăng giá, giá dầu lại lao dốc hơn 1 USD khi lo ngại về một đợt tăng lãi suất khác của Mỹ giảm dần sau dữ liệu lạm phát của Mỹ và trong bối cảnh OPEC vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ.
Ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đã tăng nhẹ chưa đến 50 cent sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu toàn cầu kỷ lục và nguồn cung thắt chặt, nhưng cũng khép lại tuần tăng thứ 7 liên tiếp, chuỗi tăng tuần dài nhất kể từ cuối tháng 2/2022.
Chốt phiên thứ Sáu, giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng 41 cent, tương đương 0,5%, lên mức 86,81 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 37 cent, tương đương 0,5%, lên mức 83,19 USD/thùng. Tính cả tuần, cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều tăng khoảng 0,5%.
Reuters cho biết, IEA ước tính nhu cầu dầu toàn cầu đạt mức kỷ lục 103 triệu thùng/ngày trong tháng 6 và có thể đạt đỉnh mới trong tháng này.
EIA cũng đã đảo ngược dự báo về thiếu hụt nguồn cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu vào năm 2023. Hiện kỳ vọng sản lượng của các nước ngoài OPEC sẽ tăng mạnh hơn so với trước đó, với sản lượng của Mỹ dự kiến sẽ tăng 850.000 thùng/ngày lên 12,76 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Trong khi đó, việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia và Nga đã tạo tiền đề cho lượng tồn kho giảm mạnh trong những tháng còn lại của năm 2023, điều mà IEA cho rằng có thể đẩy giá dầu lên cao hơn.
Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA cho biết, việc cắt giảm nguồn cung và triển vọng kinh tế được cải thiện đã tạo ra sự lạc quan hơn cho các nhà đầu tư dầu mỏ. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các dấu hiệu cho thấy động lượng đang yếu đi sau một đợt phục hồi kéo dài.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết sau khi giảm 8 tuần liên tiếp, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giữ ổn định ở mức 525 trong tuần trước.
Eric Freedman, Giám đốc đầu tư của US Bank Asset Management, cho biết số lượng giàn khoan dầu ổn định cho thấy các nhà sản xuất Mỹ đang duy trì kỷ luật khoan và thăm dò. Freedman nhận xét mặc dù giá dầu tiếp tục tăng cao nhưng không có nhiều công ty thăm dò dầu.