Bước vào tuần giao dịch trước, giá “vàng đen” đã lao dốc tới 4,5%, phá vỡ chuỗi tăng ba ngày của tuần trước đó bởi nhu cầu nhiên liệu chậm ở Trung Quốc và chỉ số USD tăng lên mức cao nhất trong năm tuần.
Tuy nhiên, khi áp lực giảm giá vẫn rất lớn, giá dầu ngày 23/8 bất ngờ tăng mạnh trở lại nhờ kỳ vọng nhu cầu dầu từ Trung Quốc phục hồi, khi nước này liên tiếp thực hiện các quyết định hạ lãi suất để hỗ trợ kinh tế.
Không chỉ tại Trung Quốc, thị trường cũng đặt kỳ vọng nhu cầu dầu ở châu Âu tăng mạnh, khi nhiều quốc gia trong khu vực đang bế tắc việc đảm bảo nguồn cung khí cho mùa Đông khắc nghiệt sắp tới.
Giá dầu còn được thúc đẩy bởi thông tin OPEC+ có thể sẽ giảm sản lượng trước khả năng Iran tăng nguồn cung thời gian tới. Đây được xem là động thái tạo thế cân bằng cung-cầu và đảm bảo giá dầu ở mức lý tưởng của OPEC+. Đồng USD yếu hơn cũng là nhân tố thúc đẩy giá dầu đi lên.
Động lực hỗ trợ tiếp tục được củng cố khi thị trường ghi nhận triển vọng tiêu thụ năng lượng ở Mỹ tăng cao. Cụ thể, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của nước này đã giảm 3,3 triệu thùng, tồn kho xăng giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước.
Giá dầu cũng được hỗ trợ mạnh bởi quan điểm cứng rắn, không nhượng bộ về vấn đề Thoả thuận hạt nhân của Iran. Điều này đã làm giảm đáng kể khả năng hoạt động xuất khẩu dầu của Iran được nới lỏng. Thoả thuận có thể mở ra khả năng thị trường có thêm 1 triệu thùng/ngày.
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá dầu WTI tăng 2,5% lên 92,97 USD/thùng. Giá dầu Brent chốt tuần tăng 4,4% lên 100,99 USD/thùng.
Cuộc họp sắp tới của OPEC+ sẽ quyết định chính sách sản lượng trong những tháng tới. Nhiều quốc gia thành viên OPEC+, trong đó bao gồm Iraq, Venezuela, Kazakhstan và UAE, lên tiếng ủng hộ ý tưởng liên minh này can thiệp vào thị trường và xây dựng sự cân bằng trên thị trường dầu mỏ.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng sẽ theo dõi diễn biến kết quả cuộc đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran.