Biến động tiếp tục bao phủ lên thị trường năng lượng trong tuần trước với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng. Hai phiên biến động mạnh nhất là ngày 13 và 14/8, giá dầu tăng 4% nhờ việc Mỹ hoãn áp thuế một số hàng hóa Trung Quốc, rồi lao dốc 3% do lo ngại suy thoái gia tăng và tồn kho tại Mỹ tăng.
Chỉ số CBOE đo sự biến động của thị trường dầu ngày 14/8 tăng 8%, ngày tăng mạnh nhất kể từ 1/8.
Thị trường năng lượng đang chịu tác động từ nhiều yếu tố trái chiều. Ngày 16/8, OPEC ra báo cáo có phần tiêu cực về nhu cầu dầu thô trong năm nay và năm 2020. Tuy nhiên, giá dầu vẫn đi lên nhờ Phố Wall phục hồi, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trở lại.
Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 15/8 tuyên bố sẽ đáp trả nếu Mỹ áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa của nước này từ ngày 1/9, cho rằng Washington đang vi phạm sự đồng thuận, giải quyết bất đồng thông qua đàm phán, mà lãnh đạo hai nước đạt được trong cuộc gặp hồi cuối tháng 6 tại Nhật Bản.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã quyết định hoãn áp thuế với một số hàng hóa Trung Quốc lùi về ngày 15/12, loại một số hàng hóa khỏi danh sách chịu thuế, để hạn chế ảnh hưởng đến mùa mua sắm Giáng sinh.
“Tóm lại, thị trường dầu đang được giao dịch dựa trên sự lo ngại. Số liệu từ bên ngoài cho thấy lực cầu năng lượng có vẻ chững lại nhưng số liệu thực tế lại cho rằng tình trạng đó bị phóng đại”, theo Phil Flynn, nhà phân tích thị trường năng lượng tại Price Futures Group, bang Illinois.
Tồn kho dầu tại Mỹ tăng 1,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 9/8, trái ngược với dự báo giảm 2,8 triệu thùng từ giới phân tích, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Tồn kho dầu hiện ở mức 440,5 triệu thùng, cao hơn 3% so với mức trung bình 5 năm trong cùng thời điểm.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần đã triển khai thêm 6 giàn khoan, lần đầu tiên trong 7 tuần.
Chốt tuần trước, giá dầu Brent tương lai tăng 0,2%, giá dầu WTI tương lai tăng 0,7%.
Các trader đang tập trung vào hai điều: Khả năng cắt giảm sản lượng của OPEC và nhu cầu thấp hơn do nền kinh tế toàn cầu suy yếu. Họ dường như không quá lo lắng về sự tăng trưởng của Mỹ tại thời điểm này. Tuy nhiên, họ đang bày tỏ quan ngại về sự gia tăng sản xuất của Mỹ.
Người bán đã rất lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu và tác động của nó đối với nhu cầu dầu trong tương lai. Những lo ngại này đã được xác nhận bởi một báo cáo bi quan từ OPEC.
Tuy nhiên, nếu không có sự leo thang căng thẳng về suy thoái kinh tế toàn cầu, WTI và Brent có khả năng vẫn dao động trong một biên độ hẹp. Chúng ta thực sự vẫn có thể thấy một xu hướng tăng khi các trader tiếp tục xây dựng niềm tin vào các chính sách ngân hàng trung ương bằng việc cung cấp các biện pháp kích thích cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần:
Ngày 19/8
Genscape Cushing ra số liệu tồn kho ước tính.
Ngày 20/8
Viện dầu mỏ Mỹ (API) ra báo cáo hàng tuần về tồn kho dầu.
Ngày 21/8
Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ra số liệu tồn kho dầu Mỹ.
Ngày 23/8
Công ty dịch vụ năng lượng Mỹ Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu hoạt động.