Giá dầu tiếp tục một tuần đầy biến động với nửa đầu tuần ảm đạm, ngập trong sắc đỏ, sau đó đã lội ngược dòng, lấy lại được phần nào mức đã để mất, nhưng tính chung cả tuần, giá vẫn giảm do quan ngại suy thoái phủ bóng.
Sự lao dốc của giá dầu chịu tác động bởi dữ liệu kinh tế yếu ở Trung Quốc. Theo Reuters, giá dầu thô WTI và Brent đã giảm trong khoảng 3%, có thời điểm giảm tới hơn 5%, tại phiên giao dịch mở đầu tuần khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay để kích cầu.
Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy sản lượng của các nhà máy lọc dầu của nước này đã giảm xuống còn 12,53 triệu thùng/ngày. Sản lượng công nghiệp tăng 3,8%, thấp hơn so với 3,9% của tháng 6 và kỳ vọng 4,6% của các nhà phân tích. Doanh số bán lẻ cũng chỉ tăng 2,7%, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 5% và mức tăng 3,1% của tháng 6. Đồng nhân dân tệ cũng suy yếu so với đồng USD.
Đích thân Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lên tiếng thừa nhận nền kinh tế số hai thế giới đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn và hối thúc các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng. Nhiều ngân hàng đầu tư, trong đó có Goldman Sachs và Nomura đồng loạt hạ triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022.
Giá dầu đã trượt thêm khoảng 3% trong phiên giao dịch tiếp theo bởi các dữ liệu kinh tế như tỷ lệ thế chấp và giá vật liệu xây dựng cao khiến ngành xây dựng của Mỹ giảm tăng trưởng trong tháng 7 xuống mức thấp nhất trong gần 1,5 năm qua và thị trường đang kỳ vọng về một kết quả rõ ràng hơn của các cuộc đàm phán ở Vienna, Áo để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, mở ra triển vọng nguồn cung.
Thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ giảm sốc tới 7,1 triệu thùng trong tuần trước, xuống còn 425 triệu thùng; dự trữ xăng cũng giảm 4,6 triệu thùng từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đã hỗ trợ cho giá dầu, khiến “vàng đen” nhanh chóng đảo chiều sau sau hai phiên trượt dốc. Xuất khẩu dầu thô của Mỹ lần đầu tiên chạm ngưỡng 5 triệu thùng/ngày, giúp xoa dịu quan ngại của nhà đầu tư về khả năng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sụt giảm do suy thoái.
Giá dầu đã tăng thêm gần 3% sau những tin vui từ Mỹ bù đắp cho lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế chậm ở các nước khác có thể làm giảm nhu cầu.
Theo Báo cáo thất nghiệp hằng tuần của Bộ Lao động Mỹ, trong tuần trước, số người nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp mới ở nước này đã giảm 2.000 người, xuống còn 250.000 người. Cùng với sản xuất công nghiệp tăng mạnh trong tháng 7 và tăng trưởng doanh số bán lẻ, dữ liệu tích cực từ Bộ Lao động Mỹ phản ánh tình hình sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
Trong ba phiên giao dịch còn lại của tuần, giá dầu đi lên trước một số thông tin tích cực nhưng không đủ để kéo giá dầu về vùng tăng trong tuần qua.
Tuy nhiên, chỉ tăng thêm có vài chục cent tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần không đủ để bù đắp lại mức giảm mạnh hồi đầu tuần. Giá dầu Brent chốt ở mức 96,72 USD/thùng, giá dầu thô WTI của Mỹ ở mức 90,77 USD/thùng.
Ngày 19/8, tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga thông báo sẽ ngừng tất cả các dòng khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống Nord Stream từ ngày 31/8 đến 2/9 để bảo dưỡng tại trạm nén khí Trent 60. Việc bảo trì này nhiều khả năng sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) và sẽ có tác động đến giá dầu tuần này.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng sẽ chú ý tới thỏa thuận hạt nhân Iran. Phía Iran đã phản hồi lại bản dự thảo từ EU nhưng thông tin vẫn được giữ kín giữa các bên. Nếu thỏa thuận hạt nhân được hồi sinh, thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ được bổ sung thêm 1 triệu thùng dầu/ngày, làm giảm bớt quan ngại khan hiếm nguồn cung suốt thời gian qua.
Do đó, giá dầu sẽ tiếp tục biến động với biên độ cao giữa những tin tức về cung-cầu trái chiều.