Tuần giao dịch vừa qua, giá dầu thế giới chứng kiến ba phiên giảm liên tiếp, giữa bối cảnh quan hệ thương mại căng thẳng Mỹ-Trung và thống kê bất lợi về dự trữ dầu “đè nặng” lên tâm lý của các nhà đầu tư.
Mặc dù lấy lại đà tăng trong hai phiên cuối tuần, giá dầu vẫn ghi nhận một tuần đi xuống, với giá dầu Brent giảm hơn 5% và giá dầu WTI mất khoảng 2%.
Trong phiên cuối tuần (9/8), giá dầu tăng nhờ báo cáo cho thấy dự trữ dầu của châu Âu sụt giảm và kế hoạch cân bằng thị trường của Saudi Arabia. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 1,15 USD (2%) lên 58,53 USD/thùng, giá dầu WTI tăng 1,96 USD (3,7%) lên 54,50 USD/thùng.
Câu hỏi đặt ra trong tuần này là việc tồn kho tại Mỹ bất ngờ tăng trong tuần kết thúc ngày 2/8 chỉ là nhất thời hay khởi đầu cho xu hướng mới. Trong khi đó, OPEC tuyên bố sẽ khôi phục lại tâm lý thị trường, sau khi giá dầu chạm đáy 7 tháng, rơi vào thị trường giá xuống vì lo ngại liên quan chiến tranh thương mại gia tăng.
Một nguồn tin Arab Saudi khẳng định nước này không chấp nhận giá dầu lao dốc như năm 2018. Điều này giúp giá dầu phục hồi phần nào trong hai phiên 8 và 9/6.
Số liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho tại Mỹ tăng 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 2/8, trái ngược dự báo giảm 2,8 triệu thùng từ giới phân tích.
Nhà đầu tư trong tuần sẽ theo dõi liệu EIA có công bố số liệu mang tính tiêu cực, và Trung Quốc tiếp tục trả đũa Mỹ hay không. Nếu thông tin Trung Quốc dừng mua dầu từ Mỹ được CNBC đăng là thật, giá dầu WTI sẽ chịu áp lực giảm.
Iran đang xuất khẩu khoảng 100.000 thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với con số 2,5 triệu thùng/ngày khoảng 2 năm trước. Trong trường hợp Trung Quốc chuyển sang mua dầu từ Iran, sản lượng của quốc gia Trung Đông này có thể tăng trở lại, không chỉ tạo ra rắc rối chính trị cho Tổng thống Donald Trump mà còn cả áp lực nghiêm trọng cho thị trường dầu.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước tiếp tục giảm 6 giàn khoan hoạt động về còn 764, thấp nhất kể từ tháng 2/2018. Đây là tuần giảm thứ 6 liên tiếp, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Dấu hiệu của sự suy giảm kinh tế và sự bùng nổ của cuộc chiến thương mại đã khiến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng với tốc độ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết hôm thứ Sáu.
IEA đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2019 và 2020 xuống còn lần lượt 1,1 triệu và 1,3 triệu thùng mỗi ngày.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần:
Ngày 13/8
Viện dầu mỏ Mỹ ra báo cáo hàng tuần về tồn kho dầu.
Ngày 14/8
EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu Mỹ.
Ngày 16/8
Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động.