Giá dầu WTI tuần trước giảm 2,5%, tuần giảm liên tiếp thứ 7, chuỗi giảm tệ nhất trong 3 năm. Giá dầu Brent giảm 1,3%, giảm 6 trong 7 tuần gần đây.
Lo ngại dư cung đang gây áp lực lên thị trường Mỹ. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc làm dấy lên lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, ảnh hưởng lực cầu.
Giới buôn dầu nhận định triển vọng nhu cầu dầu không mấy tích cực liên quan khủng hoảng kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể lan ra các thị trường mới nổi.
Các thông tin nguồn cung tăng nhanh hơn từ nhóm quốc gia xuất khẩu dầu lớn trên thế giới cũng là yếu tố “giá xuống” với thị trường. OPEC cùng các nước phi thành viên, do Nga dẫn đầu, tháng 6 nhất trí tăng sản lượng để bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ Libya, Venezuela và Iran. Thỏa thuận sẽ giúp tổng nguồn cung tăng 1 triệu thùng/ngày.
Các công ty năng lượng Mỹ đã bắt đầu tăng sản lượng trong những tuần gần đây, cho thấy nguồn cung từ Mỹ sẽ tăng.
Số giàn khoan Mỹ đang hoạt động vẫn ở 869, cao nhất từ tháng 3/2015, theo công ty dịch vụ dầu mỏ Baker Hughes.
Ngoài những lo ngại trên, thị trường có thể được hỗ trợ từ việc Mỹ áp lệnh trừng phạt với Iran, dự kiến có hiệu lực trong tháng 11, hạn chế xuất khẩu dầu của Tehran. Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran trong tháng 5.
Sản lượng tại Iran đã thấp nhất kể từ tháng 4/2017, ở mức 3,75 triệu thùng/ngày. Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc đã rút khỏi thỏa thuận. Giới buôn dầu tiếp tục chú ý đến nhóm yếu tố “gấu” đang ảnh hưởng thị trường, sau khi giá dầu tiếp tục giảm trong tuần trước.
Dưới đây là những yếu tố có thể ảnh hưởng thị trường dầu trong tuần.
Ngày 21/8
Viện Dầu mỏ Mỹ công bố cập nhật hàng tuần về nguồn cung dầu Mỹ.
Ngày 22/8
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo hàng tuần về dự trữ dầu Mỹ.
Ngày 24/8
Baker Hughes công bố số liệu hàng tuần về số giàn khoan dầu Mỹ.