Giá dầu thế giới ghi nhận tuần giảm thứ tư liên tiếp với mức giảm sâu nhất trong 4 tuần.
Ngay ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu giảm gần 2% sau khi các quan chức Israel cho biết họ muốn tránh kéo Trung Đông vào một cuộc chiến toàn diện dù vẫn sẽ trả đũa Hezbollah- lực lượng đã thực hiện vụ tấn công bằng rocket vào cao nguyên Golan cuối tuần trước khiến 12 trẻ em và thanh thiếu niên thiệt mạng.
Các nhà đầu tư lo ngại rằng nhu cầu từ Trung Quốc có thể suy yếu trong khi OPEC+ có vẻ sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch tăng nguồn cung và một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza có thể đạt được giúp giảm rủi ro địa chính trị đã đẩy giá dầu tiếp tục lao dốc khoảng 1% xuống mức thấp nhất trong 7 tuần tại phiên giao dịch thứ 2 của tuần.
Giá dầu bất ngờ quay đầu tăng vọt ở phiên giao dịch thứ 3 do lo ngại xung đột tại Trung Đông lan rộng sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas ngay tại Iran cùng tồn kho xăng dầu của Mỹ tiếp tục giảm và chỉ số USD giảm. Trong phiên này, giá dầu Brent tăng gần 3%, dầu WTI tăng hơn 4%.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu của Mỹ đã giảm 3,4 triệu thùng, giảm tuần thứ 5 liên tiếp; tồn kho xăng giảm 3,7 triệu thùng.
Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn cung toàn cầu dường như không bị ảnh hưởng nhiều bởi lo ngại xung đột lan rộng ở Trung Đông và các nhà đầu tư hướng sự tập trung vào mối lo ngại về nhu cầu đã nhanh chóng cắt đứt đà tăng của giá dầu. Trong phiên giao dịch thứ tư của tuần, giá dầu đã lao dốc hơn 1 USD.
Tăng trưởng việc làm tại Mỹ giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng làm gia tăng lo ngại về khả năng suy thoái ở Trung Quốc. Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc giảm khiến lo ngại về nguồn cầu lớn dần. Đây là những yếu tố chính đẩy giá dầu trượt dốc gần 4% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần.
Với 4 phiên giảm, 1 phiên tăng mạnh, giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 76,81 USD/thùng, giảm 4,32 USD cả tuần, trong khi giá dầu WTI đóng cửa ở mức 73,52 USD/thùng, giảm 3,64 USD trong tuần. Với mức giảm này, giá dầu đã chính thức ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp.
Trong khi đó, cuộc họp của OPEC+ vào ngày 2/8 đã giữ nguyên chính sách sản lượng dầu của nhóm, bao gồm cả kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ một đợt cắt giảm sản lượng từ tháng 10.
Các nhà đầu tư dầu mỏ cũng đang theo dõi diễn biến ở Trung Đông, nơi việc sát hại các thủ lĩnh cấp cao của các nhóm chiến binh Hamas và Hezbollah liên kết với Iran làm dấy lên lo ngại rằng khu vực này có thể đứng trước bờ vực chiến tranh toàn diện, đe dọa làm gián đoạn nguồn cung.
Nhóm Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở Lebanon cho biết cuộc xung đột của họ với Israel đã bước vào giai đoạn mới và cam kết sẽ có phản ứng sau khi chỉ huy quân sự hàng đầu của họ thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Israel.