Giá dầu thế giới ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Biến động của giá dầu chủ yếu là do dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc, Mỹ, tồn kho dầu của Mỹ và tình hình địa chính trị ở Trung Đông.
Trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu giảm nhẹ, tối đa 30 cent, khi lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc lấn át tin tức kinh tế tích cực của Mỹ và tình hình căng thẳng vẫn tiếp diễn ở Trung Đông.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong quý II năm nay, GDP của quốc gia Đông Á tăng 4,7%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý I/2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng 5,3% của quý I/2024.
Lo ngại nền kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ làm giảm nhu cầu tiếp tục đẩy giá dầu lao dốc hơn 1% ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần. Hạn chế mức giảm của giá dầu trong phiên là báo cáo tồn kho dầu của Mỹ giảm và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 12/7, tồn kho dầu của Mỹ giảm 4,4 triệu thùng, tồn kho xăng tăng nhẹ 365.000 thùng, tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 4,92 triệu thùng.
Báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu của Mỹ thực tế giảm 4,9 triệu thùng, cao hơn so với dữ liệu từ API và cao hơn rất nhiều lần so với dự báo giảm 30.000 thùng của các nhà phân tích.
Cùng với sự suy yếu của đồng USD (chạm mức thấp nhất trong 17 tuần so với rổ các loại tiền tệ chính) là hai nhân tố chính hỗ trợ giá dầu bất ngờ quay đầu tăng tốc khoảng 2% ở phiên giao dịch thứ ba của tuần. Sự bật tăng này đã giúp giá dầu lấy lại được toàn bộ những mất mát ở hai phiên giao dịch trước.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đã không thể kéo dài sang phiên giao dịch thứ tư. Trong phiên này, giá dầu chỉ dịch chuyển nhẹ, với dầu Brent tăng 3 cent, dầu WTI giảm 3 cent khi các nhà đầu tư vật lộn với những tín hiệu trái chiều về nhu cầu dầu.
Khả năng sẽ có một lệnh ngừng bắn ở dải Gaza và sự bật tăng của đồng USD buộc giá dầu trượt dốc hơn 2 USD xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6 tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần.
Theo đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 8/2024 giảm 2,69 USD, hay 3,3%, chốt phiên ở mức 80,13 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York. Giá loại dầu này giảm 2,5% trong tuần qua. Còn giá dầu WTI tại hợp đồng giao tháng 9/2024 giảm 2,66 USD, hay 3,3%, xuống 78,64 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9/2024 giảm 2,48 USD, hay 2,9%, xuống 82,63 USD/thùng tại sàn ICE Futures Europe. Giá dầu này giảm 2,8% trong cả tuần.
Hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên là thông tin từ Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho thấy trong tuần, số giàn khoan dầu của Mỹ giảm 1 xuống còn 477, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.
Tâm lý thị trường chịu ảnh hưởng bởi hy vọng mới về lệnh ngừng bắn ở Gaza, với việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken chỉ ra rằng một lệnh ngừng bắn được mong đợi từ lâu giữa Israel và Hamas đã trong tầm tay.
Cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza trước đây đã khiến các nhà đầu tư tính đến mức phí bảo hiểm rủi ro đối với dầu mỏ, vì căng thẳng gây ra mối đe dọa đối với nguồn cung toàn cầu.
Các nhà đầu tư đang thận trọng theo dõi liệu tình hình nhu cầu trong nửa cuối năm 2024 có đúng như các dự báo hay không.
Các chiến lược gia tại ING, Warren Patterson và Ewa Manthey, cho rằng những lo ngại ngày càng nhiều về nhu cầu của Trung Quốc đang gây sức ép lên thị trường, sau khi loạt số liệu được công bố đầu tuần trước cho thấy triển vọng nhu cầu yếu đi. Trong khi đó, khả năng thị trường thắt chặt trong quý III/2024 tiếp tục hỗ trợ giá dầu.
Theo nhà phân tích thị trường Phil Flynn tại Price Futures Group, những rủi ro liên quan đến kinh tế Trung Quốc cũng hạn chế tác động tích cực từ khả năng Fed hạ lãi suất - động thái có thể thúc đẩy nhu cầu dầu.