Giá dầu tuần trước khá biến động. Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu giảm 2 phiên và tăng liên tiếp 3 phiên. Như vậy dầu đã ghi nhận tuần tăng thứ ba liên tiếp với dầu Brent và WTI đều tăng hơn 1 USD.
Ngay ở phiên đầu tiên của tuần, giá dầu đã giảm chưa đến 1 USD, trượt khỏi mức đỉnh 9 tuần mà giá dầu đã xác lập được ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước đó. Sự trượt dốc bất ngờ này của giá dầu, theo các chuyên gia, là do sự gia tăng khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp vào cuối tháng này. Tuy nhiên, hạn chế đà giảm của giá dầu là việc hai nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Saudi Arabia và Nga thông báo cắt giảm nguồn cung dầu thô trong tháng 8.
Tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu giảm hơn 1 USD do đồng USD bật tăng và các nhà kinh doanh dầu chốt lãi từ đợt tăng mạnh trước đó.
Ở ba phiên giao dịch giữa tuần, giá dầu duy trì đà tăng, chạm mức cao nhất trong 10 tuần, và đáng chú ý là tăng vượt ngưỡng 80 USD/thùng.
Sau cú lao dốc ở phiên đầu tuần, giá dầu bật tăng hơn 2% bởi đồng USD giảm, hy vọng về nhu cầu cao hơn ở các nước đang phát triển và việc cắt giảm nguồn cung của Saudi Arabia và Nga. Theo nhận định của các nhà phân tích, trong phiên giao dịch này, cả dầu Brent và WTI đều đã chạm mức đỉnh 10 tuần, và dầu Brent đã ở trong vùng quá mua về mặt kỹ thuật lần thứ hai trong ba ngày.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA nhận xét: “Việc phá vỡ mức cao gần đây có thể được coi là một bước tăng giá có thể tạo đà cho Brent bứt phá trở lại mức giá hơn 80 USD/thùng”.
Đúng như Erlam nhận xét, giá dầu Brent đã tăng vượt mốc 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 5 tại phiên giao dịch giữa tuần mặc dù trong phiên giá dầu đã bất ngờ đảo chiều trượt dốc khi thị trường tiếp nhận thông tin từ Viện Dầu khí Mỹ (API) về sự gia tăng dự trữ xăng dầu của Mỹ.
Giá dầu tiếp tục tăng ở phiên giao dịch thứ tư của tuần. Theo đó, giá dầu tăng hơn 1% lên mức cao nhất trong gần 3 tháng sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ cho thấy lãi suất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gần chạm mức đỉnh.
Trong tuần, báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng nhẹ 0,2% trong tháng 6. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tăng 3% - mức tăng hằng năm thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và thấp hơn mức tăng 4% trong tháng 5. Lạm phát hằng năm chỉ bằng 1/3 so với tháng 6 năm ngoái, khi giá cả tăng 9,1%.
Lạm phát giảm cho thấy chu kỳ tăng lãi suất của nền kinh tế lớn nhất thế giới cuối cùng cũng hạ nhiệt. Tuy nhiên, thị trường vẫn mong đợi một đợt tăng lãi suất nữa của Fed trong tháng này.
Cũng trong tuần, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 5,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 07/7.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu 220.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước. Tuy nhiên, báo cáo của IEA vẫn dự đoán nhu cầu dầu sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, ở mức ở mức 102,1 triệu thùng/ngày.
Báo cáo của OPEC duy trì triển vọng lạc quan về nhu cầu dầu thế giới bất chấp sự suy yếu của nền kinh tế. OPEC đã nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2023 và dự đoán chỉ giảm nhẹ vào năm 2024, với Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu.
Trong diễn biến khác, xuất khẩu dầu thô của Nga từ các cảng châu Âu dự kiến sẽ giảm khoảng 100.000 - 200.000 thùng/ngày trong tháng 8 so với tháng 7. Chính phủ Nga cũng đề xuất giảm chiết khấu cho dầu thô Urals xuống 20 USD từ ngày 1/9.
Chiến lược gia đầu tư cấp cao tại US Bank Wealth Management, ông Rob Haworth dự báo trong tuần này, dầu thô có tiếp tục tăng giá nhờ lạm phát giảm. Bên cạnh đó, kế hoạch bổ sung dự trữ dầu chiến lược của Mỹ cũng được triển khai, song song đó, việc cắt giảm sản lượng của các ông lớn dầu mỏ có thể khiến nguồn cung bị gián đoạn tại vài thời điểm. Tất cả đều đang có lợi cho thị trường dầu thô thế giới.