Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 27/2024

Giá dầu thế giới ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp. Tồn kho dầu thô của Mỹ giảm sốc, bão Beryl kéo dài, lo ngại xung đột ở Trung Đông lan rộng là 3 trong nhiều yếu tố chính hỗ trợ giá dầu tăng tốc trong tuần trước.

Ngay ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã tăng khoảng 2% lên mức cao nhất trong 2 tháng qua. Chính kỳ vọng nhu cầu tăng trong mùa lái xe mùa hè ở Bắc bán cầu, cùng với gia tăng lo ngại xung đột lan rộng ở Trung Đông làm giảm nguồn cung đã khiến giá dầu leo dốc.

Tại phiên giao dịch thứ 2, dự báo bão Beryl sẽ suy yếu thành bão nhiệt đới khi đi vào Vịnh Mexico vào cuối tuần đã đẩy giá dầu giảm nhẹ chưa đến 60 cent. Báo cáo tồn kho dầu của Mỹ bất ngờ giảm sốc tới 9,163 triệu thùng từ Viện Dầu khí Mỹ không kéo giá dầu quay đầu trong phiên.

Tuy nhiên, báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ về sự giảm tới 12,2 triệu thùng (gấp gần 20 lần so với dự đoán của các nhà phân tích và là mức giảm lớn nhất trong kho dự trữ dầu của Mỹ trong gần 1 năm qua), tại phiên giao dịch thứ 3 đã nhanh chóng giúp giá dầu quay đầu tăng tốc khoảng 1%. Nhưng kết quả của các cuộc khảo sát gần đây cho thấy trong tháng 6, hoạt động dịch vụ của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 8 tháng và niềm tin của doanh nghiệp chạm mức thấp nhất trong 4 năm đã hạn chế đà tăng của giá dầu trong phiên giao dịch này.

Giá dầu tăng nhẹ xấp xỉ 20 cent trong phiên giao dịch thứ tư của tuần trước khi giảm khoảng 1% tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Giá dầu hạ nhiệt là bởi kỳ vọng thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza có thể đạt được khi các cuộc đàm phán sẽ được nối lại trong tuần này.

Giá dầu Brent kết thúc tuần giao dịch ở mức 86,54 USD/thùng, giá dầu WTI đóng cửa ở mức 83,16 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 0,4%, trong khi giá dầu WTI tăng 2,1%, ghi dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp. Kể từ đầu năm 2024 tới nay, giá dầu Brent và dầu WTI tăng lần lượt 12,3% và 16,1%.

Về phía nguồn cung, cơn bão Beryl đã đổ bộ vào Mexico sau khi khiến 11 người ở vùng Caribe thiệt mạng, đồng thời phá hủy các tòa nhà và đường dây điện trên khắp các đảo Caribe.

Các giàn khoan dầu lớn của Mexico dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng bởi cơn bão, nhưng các dự án dầu mỏ ở vùng biển phía bắc Mỹ có thể bị gián đoạn nếu cơn bão tiếp tục đi theo đường đi dự kiến.

Reuters hôm thứ Năm (4/7) đưa tin rằng các nhà khai thác dầu mỏ của Nga, Rosneft và Lukoil, sẽ cắt giảm mạnh xuất khẩu dầu từ cảng Novorossiysk ở Biển Đen vào tháng 7.

Trong khi đó, Saudi Aramco của Ả Rập Xê-út đã giảm giá dầu thô nhẹ bán sang châu Á vào tháng 8 xuống còn 1,80 USD/thùng so với mức trung bình của Oman/Dubai, nhấn mạnh áp lực của các nhà sản xuất OPEC khi phải đối mặt với sự gia tăng nguồn cung ngoài OPEC.

Về phía cầu, các nhà phân tích dự báo các điều kiện trên thị trường sẽ thắt chặt hơn trong quý III/2024, khi nhu cầu nhiên liệu mùa Hè tăng cao. Ngân hàng UBS dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay. Ngân hàng này cũng dự báo dự trữ sẽ giảm mạnh hơn trong các tuần tới khi OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng cho đến tháng Chín.

Ngoài ra, khả năng cắt giảm lãi suất của Mỹ đang đến gần làm dấy lên kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu dầu mỏ.