Tuần qua tiếp tục là một tuần cực kỳ biến động của giá dầu với mức giảm sâu và phục hồi nhanh chóng. Sự tăng-giảm liên tục của giá dầu chịu tác động lớn bởi lo ngại gia tăng về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ dầu giảm do sự bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc, và nhất là khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất tới 100 điểm cơ bản để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất 40 năm qua.
Cả dầu thô Brent và WTI đều bước vào tuần trước trong sắc đỏ. Tuy nhiên, mức độ lao dốc của giá dầu khá nhẹ, chưa đến 1% khi thị trường giằng co giữa nhu cầu dự kiến giảm do xét nghiệm Covid-19 ở diện rộng tại trung tâm tài chính Thượng Hải với những lo ngại về nguồn cung thắt chặt.
Cũng gây áp lực lên giá dầu là việc đồng bạc xanh tăng giá lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2022 so với rổ tiền tệ khác.
Giá dầu tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch kế tiếp. Ngày 12/7, giá dầu thô Brent chính thức bị đẩy xuống dưới mốc 100 USD/thùng, giá dầu thô WTI của Mỹ còn chịu mức giảm nhiều hơn, tới 7,9%, xuống mức 95,84 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất của cả hai chuẩn dầu trong vòng ba tháng qua.
Sau cú trượt dốc tới gần 8% nói trên, giá dầu đã quay đầu phục hồi nhẹ với mức tăng khiêm tốn, chưa đến 1%. Sự tăng này không đủ để giá dầu Brent quay trở lại mốc 3 con số.
Trong tuần, giá dầu đã chứng kiến sự biến động không ngừng trong phiên giao dịch ngày 14/7. Sau khi trái chiều đầu phiên, cả Brent và WTI cùng tăng tốc khiến giá dầu Brent nhanh chóng vượt mốc 100 USD/thùng. Nhưng đà tăng này đã nhanh chóng bị kìm lại bởi khả năng Fed tăng lãi suất tới 1% vào cuối tháng, đẩy giá dầu Brent lao dốc hơn 4 USD, trượt xa khỏi mốc 3 con số. Về dần đến cuối phiên giá dầu đã lấy lại được gần như tất cả mức đã để mất trong ngày nhưng cũng không đủ để cho Brent chạm mốc 100 USD/thùng.
Dù phục hồi khoảng 2 USD vào phiên giao dịch cuối cùng của tuần khi thị trường tiếp nhận thông tin các nhà hoạch định chính sách diều hâu nhất của Fed đã chọn mức tăng “khiêm tốn” 75 điểm cơ bản cho lãi suất áp dụng từ cuối tháng này, nhưng dầu Brent và WTI có mức giảm lần lượt 5,5% và 6,9%. Đây là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của dầu thô Brent và thứ 2 liên tiếp của dầu WTI. Tuy nhiên, giá dầu Brent đã trở lại mốc 3 con số, đạt mức 101,16 USD/thùng; giá dầu WTI chỉ còn 97,59 USD/thùng.
Giá dầu hôm thứ Sáu còn được hỗ trợ bởi dúng như dự đoán, chuyến đi của ông Biden trên thực tế không mang lại nhiều kết quả khả quan khi không một cam kết tăng sản lượng cụ thể nào được phía Arab Saudi đưa ra.
Dù đối diện với rủi ro suy thoái toàn cầu, những lệnh cấm vận mới đối với dầu Nga, bên cạnh đó là tình trạng đứt gãy nguồn cung từ Libya hoặc Nigeria vẫn là những yếu tố thúc đẩy giá dầu đi lên.
Trong tuần này, mối lo nhu cầu giảm, thiếu hụt nguồn cung vẫn sẽ đeo bám giá dầu. Nhưng khả năng chỉ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản của Fed sẽ là đối trọng để giá dầu dao động trong mức vừa phải.