Dầu được giao dịch với giá gần đỉnh 3,5 năm, sát 80 USD/thùng, hồi cuối tháng 6 và đầu tháng 7 do lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Libya và Mỹ thúc đẩy các nước dừng nhập khẩu dầu của Iran từ tháng 11, khi Washington tái trừng phạt Tehran.
Tuy nhiên, giá dầu sau đó đi xuống do Libya mở cửa trở lại các cảng biển ở phía đông và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Washington có thể cân nhắc ân hạn với một số quốc gia nhập khẩu dầu từ Iran. Việc Libya mở cửa lại các cảng biển dự kiến tạo ra nguồn cung 850.000 thùng/ngày cho thị trường thế giới.
OPEC cũng tiết lộ các thành viên của tổ chức này đã tăng sản lượng trong tháng 6, dẫn đầu là Arab Saudi với mức cao chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu thỏa thuận hạn chế nguồn cung năm 2016, xóa bỏ lo ngại thị trường sẽ thiếu nguồn cung.
OPEC cùng các quốc gia phi thành viên, do Nga dẫn đầu, cuối tháng 6 cam kết tăng đầu ra để bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ Libya, Venezuela và Iran. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo thế giới đang thiếu nguồn cung tiềm năng và bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào cũng có thể đẩy giá dầu tăng cao. Cơ quan này nhận định nhu cầu dầu thô sẽ giảm so với ước tính trước đó trong nửa sau năm 2018.
Giá dầu WTI ngày 13/7 giảm xuống còn 71,01 USD/thùng, cả tuần giảm 4,4% và là tuần thứ hai giảm liên tiếp. Dầu Brent giao tháng 9 giao dịch ở 75,33 USD/thùng, cả tuần giảm 2,9%. Triển vọng nguồn cung toàn cầu là tiêu điểm chú ý trong tuần, sau khi giá dầu đã giảm mạnh vì ít người đánh cược vào khả năng thiếu hụt nguồn cung hơn.
Dưới đây là những sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần:
Ngày 17/7
Viện Dầu mỏ Mỹ công bố báo cáo hàng tuần về nguồn cung dầu.
Ngày 18/7
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố báo cáo hàng tuần về dự trữ dầu.
Ngày 20/7
Baker Hughes công bố số liệu hàng tuần về giàn khoan dầu Mỹ.