Giá dầu thế giới ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp, dù đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần do nhà đầu tư cân nhắc về nhu cầu nhiên liệu suy yếu của Mỹ và xu hướng chốt lời vào cuối quý.
Giá dầu tăng khoảng 1% ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, được hỗ trợ bởi triển vọng nhu cầu mạnh mẽ trong mùa hè, lo ngại thiếu hụt nguồn cung do căng thẳng leo thang ở Trung Đông và châu Âu và sự suy yếu của đồng USD.
Niềm tin của người tiêu dùng ở Mỹ giảm làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu sau khi mùa lái xe ở Mỹ khởi đầu chậm. Điều này đã đẩy giá dầu lao dốc trong khoảng 1% ở phiên giao dịch thứ 2.
Tại phiên giao dịch thứ 3, giá dầu dịch chuyển nhẹ theo hướng tiến lên với dầu Brent tăng 0,3%, dầu WTI tăng chưa đến 0,1%.
Đà tăng của giá dầu được kéo dài ở phiên giao dịch thứ tư với mức tăng hơn 1% do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn bởi áp lực địa chính trị ở Trung Đông và châu Âu gia tăng bất chấp tồn kho xăng, dầu của Mỹ bất ngờ tăng lần lượt 2,7 triệu thùng và 3,6 triệu thùng.
Tuy nhiên, giá dầu đã để mất đà tăng ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần khi giá dầu quay đầu giảm nhẹ khoảng 0,3%. Sự trượt nhẹ này của giá dầu chịu tác động bởi các nhà đầu tư cân nhắc nhu cầu nhiên liệu yếu của Mỹ trong khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ, thước đo lạm phát ưa chuộng của Fed, trong tháng 5 không tăng hay giảm so với tháng 4, làm dấy lên hy vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Cụ thể, kết thúc phiên thứ Sáu, giá dầu Brent giao tháng 9/2024 giảm 0,3%, xuống 85 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 20 xu, tương đương 0,24%, xuống 81,54 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent tăng 0,02%, trong khi giá dầu WTI cũng tăng 1%. Cả hai loại dầu chủ chốt này đều tăng khoảng 6% trong tháng Sáu.
Kể từ đầu năm 2024 tới nay, giá dầu WTI tăng 13,8%, còn giá dầu Brent Biển Bắc tăng 12,1%.
Giá dầu được hỗ trợ bởi các dấu hiệu cho thấy xung đột quân sự giữa Israel và Hezbollah đang “nóng lên," làm dấy lên lo ngại về những ảnh hưởng tới Iran, thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và có thể làm gián đoạn một phần nguồn cung dầu thô cho thị trường.
Tuy nhiên, giá dầu đang được giao dịch gần 80 USD/thùng, vẫn thấp hơn mức mà nhiều thành viên OPEC+ cần để cân bằng ngân sách của mình. Lo ngại về tăng trưởng nhu cầu chậm chạp ở nước nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc cùng với lượng dầu dự trữ tăng ở các nền kinh tế phát triển đã gây áp lực lên giá “vàng đen” thời gian qua.