Chuẩn dầu thô Mỹ và toàn cầu đã chốt phiên trái chiều hôm thứ Sáu, với cả hai giá chuẩn có tuần giảm đầu tiên hàng tuần trong ba tuần trong bối cảnh các nguồn cung dầu thô tăng lên.
Giá dầu WTI giao tháng 8 hôm 6/7 tăng 86 cent, tương đương 1,2%, lên 73,8 USD/thùng, nhìn chung cả tuần giảm 0,5%.
Giá dầu Brent giao tháng 9 cùng ngày giảm 28 cent, tương đương 0,4%, xuống 77,11 USD/thùng, nhìn chung cả tuần giảm 2,9%.
Arab Saudi thông báo với OPEC rằng nước này đã tăng sản lượng dầu thêm gần 500.000 thùng/ngày lên 10,5 triệu thùng/ngày. OPEC cùng các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ phi thành viên khác hồi tháng 6 cam kết tăng sản lượng để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Libya, Venezuela và Iran.
Tuy nhiên, cam kết của Arab Saudi dường như chưa làm Tổng thống Mỹ Donald Trump hài lòng. Ông công kích OPEC trên Twitter, cho rằng nhóm này đã không điều tiết giá dầu.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran hôm 7/7 cáo buộc ông Trump đang xúc phạm OPEC bằng cách yêu cầu khối tăng sản lượng, giảm giá dầu. Sản lượng và xuất khẩu dầu của Iran không thay đổi dưới áp lực từ Mỹ.
Chính quyền Mỹ đang thúc đẩy các quốc gia dừng nhập khẩu dầu thô của Iran từ tháng 11, khi Washington tái áp lệnh trừng phạt Tehran. Ông Trump trước đó đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc.
Sản lượng dầu thô của Mỹ tiếp tục ở mức kỷ lục, 10,9 triệu thùng/ngày, đạt lần đầu tiên vào cuối tháng 6. Các công ty năng lượng Mỹ triển khai thêm 5 giàn khoan trong tuần trước, nâng tổng số giàn khoan lên 864, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết hôm 6/7. Số giàn khoan hoạt động trong năm ngoái là 763.
Sản lượng dầu toàn cầu sẽ là yếu tố cần chú ý trong tuần, sau khi giá dầu đã giảm vì dấu hiệu cho thấy Mỹ và Arab Saudi tăng nguồn cung.
Dưới đây là những sự kiện có thể tác động giá dầu trong tuần:
Ngày 10/7
Viện Dầu mỏ Mỹ công bố báo cáo hàng tuần về nguồn cung dầu Mỹ.
Ngày 11/7
Cơ quan Thông tin Năng lượng công bố báo cáo hàng tuần về dự trữ dầu.
Ngày 13/7
Baker Hughes công bố số liệu hàng tuần về giàn khoan dầu Mỹ.