Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 25/2022

Trong tuần vừa rồi, giá dầu tiếp tục giao dịch giằng co giữa tăng và giảm. Đầu tuần, giá dầu bật tăng sau khi cuộc họp của nhóm các quốc gia phát triển G7 kết thúc. Nhóm này thống nhất cao tiếp tục gia tăng ủng hộ bổ sung các biện pháp trừng phạt đối với Nga, đồng thời nghiên cứu phương án áp giá trần đối với dầu nhập khẩu từ quốc gia này, khiến quan ngại thiếu hụt cung dầu thế giới tăng cao.

Giá dầu đã kéo dài mức tăng trong khoảng 2-3 USD trong phiên giao dịch tiếp theo sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo kết quả cuộc điện đàm với người đồng cấp bên phía UAE Zayed Al Nahyan. Công suất khai thác dầu của UAE gần như đã đạt đỉnh. Bên cạnh đó, Arab Saudi, một trong những quốc gia có sản lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, chỉ có thể gia tăng công suất thêm 150.000 thùng/ngày và không thể gia tăng thêm sản lượng ít nhất trong 6 tháng tới.

Theo các nhà phân tích, bất ổn chính trị vẫn chưa đến hồi kết ở Ecuador và Libya có thể sẽ thắt chặt nguồn cung hơn nữa.

Về phía nhu cầu, Trung Quốc chính thức rút ngắn thời hạn cách ly đối với người nhập cảnh, một tín hiệu tích cực trong quá trình phục hồi sau đại dịch của quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Điều này giúp cải thiện triển vọng nhu cầu “vàng đen” toàn cầu trong thời gian tới, giúp đẩy giá dầu đi lên.

Tuy nhiên, sau hai ngày leo dốc tới gần 5 USD, tại phiên giao dịch thứ 3 của tuần, giá “vàng đen” đã hạ nhiệt khoảng 2% do dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng và lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm trên toàn thế giới đã lấn át lo ngại về nguồn cung dầu thô.

Trong bối cảnh quan ngại cung dầu toàn cầu liên tục gia tăng, sự quan tâm đổ dồn vào cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+). Tuy nhiên, không có một bước đột phá nào được tạo ra sau hai ngày nhóm họp. Nhóm này quyết định không thay đổi kế hoạch tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trước đó trong tháng 7 và 8 tới đây.

Trên thực tế, sản lượng dầu mỏ của khối này hiện thấp hơn so với mục tiêu khoảng hơn 2 triệu thùng. Trong khi công suất khai thác tại nhiều quốc gia đã đạt đỉnh, sản lượng dầu mỏ tại một số quốc gia khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ bất ổn chính trị và cấm vận.

Do đó, vào phiên giao dịch cuối cùng của tuần, “vàng đen” đã khôi phục lại được hơn 2% khi những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tăng dần với sự sụt giảm mạnh sản lượng dầu từ Libya và nguy cơ một cuộc đình công của công nhân dầu khí Na Uy. Mối đe dọa mang tên “nguồn cung” này đang phủ bóng ma lên giá dầu, buộc giá dầu phải leo dốc bất chấp kỳ vọng rằng suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn thế giới.

Tính cả tuần, dầu Brent đã mất 1,3% và giảm gần 6% trong tháng 6. Ngược lại sự trượt giá của dầu Brent, dầu thô WTI đã trải nghiệm một tuần tăng giá với mức tăng trong tuần là 0,8% nhưng đã giảm hơn 7% trong tháng 6.

Tuy nhiên, đà tăng giá của dầu phải đối mặt với một lực cản rất lớn, đó chính là lo ngại suy thoái. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý I của Mỹ giảm 1,6%, thấp hơn so với các lần công bố trước đó nhưng đồng nghĩa với một cuộc suy thoái đã xảy ra.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát biểu tại sự kiện được tổ chức bởi ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) rằng ông và các quan chức Fed sẽ không để tình trạng lạm phát cao kéo dài, dù điều đó đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ được nâng lên ngưỡng buộc kinh tế Mỹ phải đánh đổi tăng trưởng.

Do đó, dự báo giá dầu sẽ tiếp tục xu hướng giằng co trong thời gian tới.