Giá dầu thô bước vào tuần giao dịch từ ngày 21/6 với xu hướng tăng khi mà thị trường dầu thô tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực mới về triển vọng cải thiện nhu cầu tiêu thụ toàn cầu khi mà các chương trình vắc-xin ngừa Covid-19 được đẩy mạnh. Trong khi đó, dự báo thị trường vẫn thắt chặt với OPEC+ khả năng cao chỉ tăng sản lượng một chút trong cuộc họp tháng 7 chặt đã tạo lực cộng hưởng hỗ trợ giá dầu đạt mức đỉnh 3 năm và ghi nhận tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp.
Ngoài ra, đồng USD suy yếu cũng là tác nhân hỗ trợ giá những mặt hàng được định giá bằng đồng bạc xanh như dầu thô đi lên.
Thông tin dự trữ dầu thô Mỹ giảm mạnh được Viện dầu mỏ Mỹ (API) và EIA phát đi tiếp tục cho thấy nhu cầu tiêu thụ trên thị trường đăng trên đà phục hồi, và điều này đã hỗ trợ giá dầu ngày 23 và 24 tháng 6 bật tăng mạnh.
Một chút lo ngại về dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến chủng mới Delta ở châu Âu không đủ để tạo áp lực để cản bước giá dầu khi các dữ liệu được công bố cho thấy nhu cầu dầu thô toàn cầu đang có chiều hướng tăng mạnh, vượt xa khả năng cung ứng của thị trường.
Sản lượng dầu toàn cầu cũng được dự báo là đang trên đà suy giảm khi hoạt động dầu tư cho các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí những năm gần đây bị sụt giảm mạnh, các nhà sản suất dầu thô lớn cũng bắt đầu có sự dịch chuyển sang các sản phẩm năng lượng mới.
Goldman Sachs ước tính thị trường đang thiếu hụt khoảng 3 triệu thùng/ngày và dự báo giá dầu Brent lên 80 USD/thùng. Bank of America đưa ra con số 100 USD/thùng.
Kết thúc phiên 25/6, giá dầu Brent tương lai tăng 62 cent, tương đương 0,8%, lên 76,18 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 75 cent, tương đương 1%, lên 74,05 USD/thùng.
Chốt tuần, giá dầu Brent và WTI lần lượt tăng 3,6% và 3%, tuần tăng thứ 5 liên tiếp. Kể từ đầu năm, giá dầu Brent tăng 47%, WTI tăng 52%.
Hiện thị trường đang hướng sự chú ý vào cuộc họp chính sách của OPEC+ dự kiến diễn ra vào ngày 1/7 tới với sự quan tâm đặc biệt về việc OPEC+ liệu có gia tăng sản lượng khai thác hay không? Theo nhiều nguồn tin thì Nga đã có những động thái chính thức đề xuất tăng sản lượng khai thác để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng kêu gọi OPEC+ bắt đầu tăng sản lượng.
Tuy nhiên, Saudi Arabia, một thành viên có tiếng nói quan trọng của khối này, thì vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về việc này.
Theo giới quan sát, nhiều khả năng OPEC+ sẽ chưa vội thay đổi chính sách cắt giảm sản lượng đang triển khai và cũng sẽ chưa vội tăng sản lượng khai thác khi mà các nguy cơ tiềm ẩn rủi ro với tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn rất lớn. OPEC+ cần thêm dữ liệu và thời gian để kiểm chứng nhu cầu thực tế trên thị trường dầu thô. Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi Abdulaziz bin Salman ngày 24/6 khiến nhiều người bất ngờ khi cho rằng giá dầu có thể đã tăng quá nhiều, quá nhanh.
Một yếu tố ảnh hưởng thị trường năng lượng là đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc. Sự kỳ vọng về việc bổ sung nguồn cung dầu của Iran vừa được dấy lên thì gần như ngay lập tức đã bị dập tắt.
Số liệu ngày 25/6 cho thấy tồn kho dầu thô của Trung Quốc đang thấp nhất kể từ tháng 2, đồng nghĩa nước này có thể tăng nhập khẩu để tích trữ thêm.
Tổng số giàn khoan dầu và khí tại Mỹ trong tuần trước không đổi, giữ ở 470, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Cụ thể, số giàn khoan dầu giảm 1 xuống 372, số giàn khoan khí tăng 1 lên 98, còn số giàn khoan dự phòng vẫn là 0.