Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 23/2024

Giá dầu thế giới khép lại tuần giảm thứ ba liên tiếp, khi các nhà giao dịch hướng sự chú ý tới báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ để đánh giá về triển vọng của nền kinh tế, dự báo về quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tác động đến nhu cầu năng lượng.

Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã trượt dốc hơn 3% xuống mức thấp nhất trong gần 4 tháng khi các nhà đầu tư lo ngại quyết định sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) có thể khiến nguồn cung cao hơn vào cuối năm trong bối cảnh tăng trưởng nhu cầu chậm lại.

Thị trường tiếp tục phản ứng thái quá với thông báo của OPEC+ về khả năng tăng lại sản lượng của 8 thành viên từ tháng 10. Điều này đã đẩy giá dầu tiếp tục giảm sâu thêm hơn 1 USD trong phiên giao dịch thứ 2 của tuần. Cũng trong phiên này, giá dầu lao dốc còn bởi báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 24/5, tồn kho dầu thô ở Mỹ tăng 4,052 triệu thùng, tồn kho xăng tăng 4,026 triệu thùng và tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 1,975 triệu thùng.

Trong phiên giao dịch thứ 3 của tuần, giá dầu tăng 1% bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 bất chấp lo ngại về nhu cầu sau khi dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ tăng.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 1,2 triệu thùng, tồn kho xăng tăng 2,1 triệu thùng.

Ngân hàng Trung ương châu Âu đã hạ lãi suất 0,25% làm dấy lên hy vọng FED cũng sẽ làm theo, cùng với sự trấn an của các Bộ trưởng OPEC+ rằng thỏa thuận sản lượng dầu mới nhất có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến thị trường đã hỗ trợ giá dầu tăng tốc gần 2% ở phiên giao dịch thứ tư của tuần.

Bộ Năng lượng Mỹ vừa công bố kế hoạch mua thêm 6 triệu thùng dầu bổ sung cho Kho dự trữ xăng dầu chiến lược. Nhà phân tích Phil Flynn tại Price Futures Group cho rằng động thái này sẽ góp phần hỗ trợ thị trường dầu mỏ.

Tuy nhiên, giá đã quay đầu giảm ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần khi các nhà đầu tư cân nhắc những lời trấn an của OPEC+ trước tăng trưởng việc làm ở Mỹ. Trong phiên giao dịch ngày, giá dầu giảm nhẹ với dầu Brent giảm 25 cent, chốt phiên ở mức 79,62 USD/thùng, dầu WTI giảm 2 cent, đóng cửa ở mức 75,53 USD/thùng.

Với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính cả tuần, giá dầu Brent giảm 2,5%, dầu WTI giảm 1,9%, ghi nhận tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng việc giá dầu giảm gần đây là do các yếu tố đầu cơ và nhắc lại khả năng OPEC+ dừng hoặc đảo ngược kế hoạch tăng sản lượng.

Theo nhà phân tích Carsten Fritsch tại Commerzbank, thị trường có thể vẫn thiếu cung trong nửa cuối năm nay, ngay cả khi việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+ từng bước được đảo ngược. Đó là lý do vì sao giá có thể vẫn tăng trong trung hạn, dù với mức tăng nhẹ hơn.

Commerzbank dự báo giá dầu Brent ở mức 90 USD/thùng vào cuối năm 2024 và năm tới, thay vì ở mức 95 USD/thùng như dự báo trước đó.