Với nỗi lo suy thoái đè nặng lên thị trường, giá dầu thô bước vào tuần giao dịch trước trong xu hướng giảm, cắt đứt chuỗi tăng giá liên tục trong những tuần gần đây. Sự bùng phát các ca nhiễm Covid-19 ở thủ đô Bắc Kinh cũng như khả năng tăng lãi suất của một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã gây sức ép lên giá dầu.
Tuy nhiên, đà trượt dốc của giá dầu đã được hạn chế phần nào bởi sự thiếu hụt nguồn cung từ phía Libya với sản lượng giảm gần một nửa do bất ổn chính trị ở quốc gia Bắc Phi này khiến gần như tất cả các mỏ dầu trong nước ngừng hoạt động. Trong tháng 5, Libya chỉ sản xuất được khoảng 600.000 thùng/ngày thay vì 1,2 triệu thùng/ngày như thường lệ.
Giá dầu sau đó đã tăng hơn 2 USD vì nguồn cung thắt chặt bởi sản lượng giảm ở Libya cũng như nhiều thành viên khác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) không thể đạt được hạn ngạch sản xuất của mình.
Nhưng đà tăng của “vàng đen” không trụ được lâu do lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất cao hơn dự kiến (tới 75 điểm phần trăm). Trong phiên giao dịch ngày 15/6, giá dầu đã rớt tới hơn 3 USD sau quyết định nâng lãi suất lên 75 điểm phần trăm của Fed.
Ngoài Fed, Ngân hàng Trung ương Anh và Thụy Sĩ cũng tăng lãi suất, điều này đã đè nặng lên giá “vàng đen”.
Tại phiên giao dịch ngày 16/6, giá dầu Brent đã nhích nhẹ lên 119 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng tới 2,28 USD lên mức 117,6 USD/thùng trong bối cảnh giao dịch hỗn loạn sau khi Mỹ công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Iran, và khi thị trường năng lượng tập trung vào lo ngại về nguồn cung.
Sau đợt bán tháo ban đầu, người mua đã quay trở lại thị trường vì hầu hết các tổ chức dự báo đều cho rằng nguồn cung sẽ tiếp tục khan hiếm trong vài tháng tới.
Tuy nhiên, đến phiên cuối cùng của tuần giao dịch, giá dầu đã giảm khoảng 6% xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tuần qua, với dầu Brent xuống còn 113,12 USD/thùng, và WTI xuống dưới 110 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa thấp nhất của dầu thô Brent kể từ ngày 20/5 và của WTI kể từ ngày 12/5.
Với sự trượt giá mạnh liên tiếp, cả dầu Brent và WTI lần đầu tiên sau nhiều tuần tăng giá đã có một tuần giảm. Cụ thể, tuần giảm này đã cắt đứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp của dầu Brent, và 7 tuần tăng liên tiếp của dầu WTI.
Các chuyên gia phân tích kỹ thuật, trong nhiều tuần, đã đưa ra cảnh báo rằng giá dầu WTI và Brent đang trong tình trạng quá mua sau khi tăng khoảng 20 USD trong vòng 8 tuần qua. Và lời cảnh báo này chỉ thực sự phát huy tác dụng trong ngày 17/6 sau khi Mỹ công bố dữ liệu sản lượng công nghiệp giảm tháng thứ 5 liên tiếp do nhiều doanh nghiệp phải đối diện với các nút thắt chuỗi cung ứng và chi phí tăng cao.
Trong khi đó, Trưởng khu Minneapolis thuộc Fed Neel Kashkari cảnh báo rằng ngân hàng trung ương Mỹ cần phải tăng lãi suất quyết liệt hơn nữa trong trường hợp lạm phát duy trì ở ngưỡng cao.
Đó là tín hiệu cho thấy những đợt tăng lãi suất cao vẫn chưa dừng lại sau khi Fed tăng lãi suất thêm 0,75% trong ngày 15/6 vừa qua dù Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát đi tín hiệu rằng sẽ không xuất hiện thêm những đợt tăng lãi suất “mạnh” trong thời gian còn lại của năm 2022, và lãi suất sẽ bắt đầu được cắt giảm vào năm 2024.
Theo các nhà phân tích, diễn biến giá trong tuần vừa qua khẳng định xu hướng xuống giá theo mô hình nến Doji hình thành trong tuần trước đó. Giá dầu có khả năng kiểm chứng ngưỡng hỗ trợ 100 USD/thùng. Trong trường hợp giá dầu thấp hơn ngưỡng trung bình trượt số mũ (EMA) 109,83 USD/thùng, đó là dấu hiệu khác cho thấy giá dầu đang trong xu hướng giảm.
Về triển vọng tăng giá, giá dầu có thể hồi phục từ dải Bollinger ở giữa 106 USD/thùng và tăng lên các mốc 113 USD, 116 USD và 119 USD/thùng.