Bộ trưởng Dầu mỏ các nước thành viên OPEC, Nga cùng một số quốc gia xuất khẩu dầu khác sẽ họp ở Vienna, Áo, trong tuần này để xem xét thỏa thuận về sản lượng. Hầu hết các nhà phân tích thị trường kỳ vọng cuộc họp sẽ thay đổi thỏa thuận cắt giảm 1,8 triệu thùng/ngày trong 18 tháng qua.
Nga thúc đẩy việc tăng sản lượng 1 triệu thùng/ngày. Arab Saudi có thể tìm cách hạ thấp đề xuất của Nga nhằm ngăn giá dầu giảm quá nhiều. Tuy nhiên, không phải thành viên OPEC nào cũng tán thành. Iran, Venezuela và Iraq đều muốn giữ nguyên thỏa thuận.
Thị trường dầu tuần này sẽ dồn chú ý vào cuộc gặp của Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để xác định liệu nguồn cung có tăng hay không.
Giá dầu Brent giao tháng 8 hôm 15/6 giảm 2,5 USD, tương đương 3,3%, xuống 73,44 USD/thùng, thấp nhất kể từ 2/5. Nhìn chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 4%.
Giá dầu WTI giảm 1,83 USD, tương đương 2,7%, xuống 65,06 USD/thùng, thấp nhất kể từ 6/6. Nhìn chung cả tuần, giá dầu WTI giảm 1% và là tuần giảm thứ 4 liên tiếp.
Giới đầu tư tiếp tục cân nhắc việc sản lượng dầu từ Mỹ tăng đều. Các nhà khoan dầu Mỹ hiện triển khai 863 giàn khoan, con số cao nhất kể từ tháng 3/2015, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes của General Electric cho biết. Sản lượng của Mỹ đang ở mức 10,9 triệu thùng/ngày, chỉ sau Nga, 11 triệu thùng/ngày.
Dưới đây là những sự kiện có thể ảnh hưởng đến giá dầu trong tuần:
Ngày 19/6
Viện Dầu mỏ Mỹ công bố báo cáo hàng tuần về nguồn cung dầu Mỹ.
Ngày 20/6
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo hàng tuần về dự trữ dầu.
Ngày 22/6
Các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới họp tại Vienna để xem xét thỏa thuận về sản lượng hiện tại.
Baker Hughes công bố số liệu hàng tuần về giàn khoan dầu Mỹ.