Giá dầu đã có những phiên tăng giá vào đầu tuần trước bất chấp báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 2 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 3/6.
Ngoài ra, việc Ả Rập Xê-út tăng giá bán chính thức sang châu Á vào tháng 7 đối với dầu thô nhẹ Arab hàng đầu cũng hỗ trợ giá.
Bên cạnh đó, khả năng gián đoạn nguồn cung ở châu Phi và châu Âu cũng đẩy giá dầu leo dốc. Hiệp hội Dầu khí Na Uy (NOG) cho biết sản lượng dầu của nước này có thể bị giảm nếu công nhân đình công vào ngày 12/6 nếu đàm phán về lương không thành công, và sản lượng dầu tại mỏ Sarir của Libya đã giảm sau khi các cảng Ras Lanuf và Es Sider bị đóng cửa và một nhóm đe dọa đóng cửa cảng Hariga.
Thêm vào đó, triển vọng đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực năng lượng Iran đang giảm dần khiến kỳ vọng nhiều dầu Iran bổ sung cho thị trường ngày một lu mờ.
Tuy nhiên, đến cuối tuần giá quay đầu giảm do lo ngại nguồn cầu giảm từ phía Trung Quốc khi thành phố Thượng Hải với 26 triệu dân và thủ đô Bắc Kinh lại rơi vào tình trạng báo động về số ca mắc Covid-19 sau khi chỉ mới vừa nới lỏng các biện pháp phong tỏa cách đây chưa đầy nửa tháng.
Trong phiên giao dịch ngày 10/6, giá dầu Brent tại London giảm 1,14 USD, tương đương 0,9%, xuống còn 121,93 USD/thùng. WTI ở mức 120,67 USD, giảm 0,84 USD, tương đương 0,69%. Mặc dù giảm giá trong phiên cuối cùng của tuần, nhưng cả Brent và WTI đã có tuần tăng, với Brent là tuần thứ 4 liên tiếp và WTI tuần thứ 7 liên tiếp. Chốt tuần, giá dầu Brent và WTI vẫn tăng lần lượt 1,8% và 9% trong khoảng thời gian 1 tháng vừa qua.
Giá dầu trượt dốc còn bởi thông tin giá tiêu dùng của Mỹ tăng nhanh trong tháng 5. Giá xăng cao kỷ lục cùng với chi phí thực phẩm tăng vọt đã khiến cho mức lạm phát hằng năm của Mỹ tăng lớn nhất trong gần 41 năm qua.
Sau khi dữ liệu lạm phát được công bố, nhiều người lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ mạnh tay hơn trong kế hoạch siết chặt chính sách tiền tệ, làm gia tăng rủi ro suy thoái đối với nền kinh tế số 1 thế giới. Nếu như điều đó xảy ra, nhu cầu sử dụng dầu được dự báo sẽ sụt giảm mạnh.
150 USD/thùng là dự đoán giá dầu có thể sớm chạm tới trong một vài tuần tới của Jeremy Weir, Giám đốc điều hành của Trafigur. Theo vị giám đốc này, thị trường có thể chứng kiến nhu cầu bị phá hủy vào cuối năm nay. Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cũng dự báo giá dầu thô có thể tăng lên 150 USD/thùng trong quý III năm nay.
Trong khi đó, Sunil Kumar Dixit, Giám đốc chiến lược kỹ thuật tại skcharting.com, nhận định giá dầu WTI đang trong “một giai đoạn giảm điểm tiềm tàng” thông qua phân tích mô hình nến DOJI.
“Khả năng cao là thị trường sẽ có sự điều chỉnh. Trong trường hợp giá dầu giảm mạnh xuống ngưỡng dưới 118 USD/thùng, WTI có thể điều chỉnh về ngưỡng 115 USD hoặc thậm chí xuống thấp hơn 113 USD/thùng.