Giá dầu thế giới tuần qua ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong 5 tuần khi các nhà giao dịch tiếp tục theo dõi các cuộc đàm phán về trần nợ tại Mỹ.
Bước vào phiên đầu tuần, giá tăng 1 USD, được thúc đẩy bởi triển vọng thắt chặt nguồn cung ở Canada và các nơi khác bất chấp lo ngại suy thoái kinh tế tiếp tục gây áp lực lên thị trường. Cháy rừng ở Alberta, Canada khiến việc sản xuất ít nhất 300.000 thùng dầu/ngày bị gián đoạn. Thêm vào đó, tháng này là tháng mà các thành viên của OPEC+ bắt đầu cắt giảm sản lượng tự nguyện.
Dữ liệu cho thấy trong tháng 4, sản lượng công nghiệp và tăng trưởng doanh số bán lẻ ở Trung Quốc thấp hơn dự báo cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mất đà tăng trưởng vào đầu quý II, cùng với doanh số bán lẻ tăng ít hơn dự kiến ở Mỹ đã đẩy giá dầu giảm nhẹ ở phiên giao dịch thứ hai của tuần.
Song, sự lạc quan về thỏa thuận trần nợ của Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy nhấn mạnh quyết tâm sớm đạt được thỏa thuận này để tránh một vụ vỡ nợ thảm khốc đã hỗ trợ giá dầu quay đầu, tăng khoảng 2% ở phiên giao dịch kế tiếp.
Tuy nhiên, sự mạnh lên của đồng USD cùng với khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 6 tới và việc tạm dừng đàm phán trần nợ đã một lần nữa đẩy giá dầu trở lại vòng xoáy giảm. Trong hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đã giảm hơn 1 USD.
Sự tăng, giảm đan xen trong tuần với mức tăng cao hơn đã giúp giá dầu lần đầu tiên đảo chiều tăng trở lại sau 4 tuần giảm giá liên tục. Cụ thể, cả dầu Brent và WTI đều đã ghi nhận mức tăng khoảng 2%. Giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 75,58 USD/thùng; trong khi giá dầu WTI của Mỹ đóng cửa ở mức 71,69 USD/thùng.
Trong tuần, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay thêm 200.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 102 triệu thùng/ngày. Cơ quan này cho biết sự phục hồi của Trung Quốc đã vượt quá mong đợi và nhu cầu dầu của quốc gia Đông Á này đã đạt mức kỷ lục 16 triệu thùng/ngày trong tháng 3.
Các nhà giao dịch đang theo dõi các cuộc đàm phán về trần nợ tại Quốc hội Mỹ để xem liệu bế tắc có được giải quyết cũng như khả năng FED có tiếp tục tăng lãi suất hay không. Theo nhận định, đà tăng của giá dầu có thể bị hạn chế cho đến khi thị trường không còn lo ngại về nguy cơ suy thoái, đặc biệt là khi kinh tế Trung Quốc có thể cho thấy dấu hiệu về sự phục hồi mạnh hơn.