Sự chú ý vào thị trường dầu tuần này vẫn tiếp tục tập trung vào căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Giá dầu tăng mạnh trong tuần trước sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và dọa tái áp đặt “những lệnh trừng phạt kinh tế ở cấp độ cao nhất” với quốc gia này.
Giá dầu WTI tuần trước tăng 1,4% lên 70,7 USD/thùng, đạt đỉnh hôm 10/5, với 71,89 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Giá dầu Brent tăng 2,8% trong tuần trước, kết tuần ở mức 77,12 USD/thùng, đạt đỉnh hôm 10/5 với mức giá cao nhất 3,5 năm là 78 USD/thùng.
Một số nhà phân tích nhận định lệnh tái trừng phạt Iran sẽ dẫn đến thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu bởi chúng khiến Tehran khó xuất khẩu dầu hơn. Iran trở lại thành một quốc gia xuất khẩu dầu lớn hồi tháng 1/2016, khi các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ một phần, để đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân.
Việc rút khỏi thỏa thuận đẩy Mỹ vào thế đối đầu với châu Âu và các đồng minh khác trong thỏa thuận. Động thái này còn làm tăng căng thẳng ở Trung Đông, đặc biệt là giữa Iran và Israel.
Ngoài địa chính trị, giới đầu tư dầu còn xem xét việc Mỹ tăng sản lượng. Các công ty Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 10 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan lên 844, cao nhất từ tháng 3/2015, một trong những yếu tố có thể khiến giá dầu giảm.
Dưới đây là những sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần:
Ngày 14/5
OPEC công bố báo cáo hàng tháng về thị trường dầu.
Ngày 15/5
Viện Dầu khí Mỹ công bố báo cáo hàng tuần về nguồn cung dầu từ Mỹ.
Ngày 16/5
IEA công bố báo cáo hàng tháng về nguồn cung và nhu cầu dầu toàn cầu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố báo cáo hàng tuần về dự trữ xăng dầu.
Ngày 17/5
Chính phủ Mỹ công bố báo cáo hàng tuần về nguồn cung khí tự nhiên trong kho.
Ngày 18/5
Baker Hughes công bố số liệu hàng tuần về các giàn khoan dầu Mỹ.