Cả dầu Brent và WTI đều đã tăng mạnh khoảng 5% trong tuần trước nhờ các chất xúc tác từ phía nguồn cung.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cả Washington và Bắc Kinh chưa có bất kỳ động thái cấp cao nào để giải quyết bất đồng thương mại. Phía Nhà Trắng cho rằng, quyết định nằm trong tay Trung Quốc. Trong khi đó, phía Trung Quốc bày tỏ họ chưa rõ về các yêu cầu của phía Mỹ, đồng thời khẳng định Bắc Kinh luôn sẵn sàng đàm phán dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu gần như đi ngang nhưng vẫn ghi nhận mức tăng tối đa 12 cent sau thông tin một số thiết bị điện tử được miễn thuế quan của Mỹ và dữ liệu cho thấy lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 3.
Theo dữ liệu được công bố ngày 14/4, lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào nguồn dầu từ Iran và sự phục hồi trong hoạt động giao hàng của Nga.
Chính sách thương mại không ổn định của Mỹ tạo ra sự bất ổn cho thị trường dầu mỏ toàn cầu, buộc OPEC phải hạ triển vọng nhu cầu dầu thế giới trong năm. Điều này đã đẩy giá dầu trượt nhẹ 21 cent ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần.
Lo ngại căng thẳng thương mại leo thang đã hạn chế đà tăng của giá dầu trong tuần. Tuy nhiên, giá dầu đã nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ. Diễn biến có tác động lớn nhất trong tuần là quyết định của Washington về việc tăng cường các lệnh trừng phạt nhằm vào xuất khẩu dầu thô của Iran. Được công bố ngày 16/4, các biện pháp này bao gồm xử phạt Nhà máy lọc dầu Shengxing Chemical có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vì đã mua hơn 1 tỷ USD dầu thô của Iran. Đây là nhà máy lọc dầu thứ 3 của Trung Quốc bị áp dụng lệnh trừng phạt trực tiếp. Đây là động thái mới của chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm hạn chế doanh thu năng lượng của Tehran trong bối cảnh căng thẳng hạt nhân gia tăng.
Washington cũng ban hành thêm lệnh trừng phạt đối với một số công ty và tàu thuyền được cho là chịu trách nhiệm hỗ trợ vận chuyển dầu của Iran tới Trung Quốc, trong đó có một phần thuộc đội tàu ‘ngầm’ của Iran. Điều này làm gia tăng nỗi lo về nguồn cung toàn cầu sẽ thắt chặt hơn trong thời gian tới. Hiện các nhà giao dịch định vào giá cho khả năng cắt giảm nguồn cung dầu thô của Iran vào mùa hè.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran làm xuất hiện lại mức phí bảo hiểm rủi ro.
Ngoài ra, hy vọng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ hạ nhiệt, đồng USD yếu, dữ liệu tồn kho dầu lạc quan của Mỹ là một loạt những yếu tố hỗ trợ giá dầu bật tăng gần 2% lên mức cao nhất trong 2 tuần trong phiên giao dịch thứ 3 của tuần.
Hỗ trợ cho đợt tăng giá trong tuần trước còn phải kể đến thông báo của OPEC về việc đã nhận được kế hoạch cập nhật liên quan đến cắt giảm sản lượng dầu cho một số nước thành viên để bù đắp cho việc khai thác vượt hạn ngạch đã thỏa thuận. Theo kế hoạch mới nhất, từ tháng 4/2025 đến tháng 6/2026, sản lượng cắt giảm hằng tháng sẽ trong khoảng 196.000- 520.000 thùng/ngày, tăng so với mức từ 189.000 đến 435.000 thùng/ngày trước đó.
Đà tăng của giá dầu kéo dài sang phiên giao dịch thứ tư và cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tuần do nghỉ lễ thứ Sáu tuần Thánh và lễ Phục sinh. Trong phiên này, giá dầu tăng hơn 3%, được hỗ trợ bởi hy vọng về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) và gia tăng lo ngại về nguồn cung sau lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu dầu của Iran.
Với 3 phiên tăng và 1 phiên giảm nhẹ, giá dầu tuần này đã ghi nhận tuần tăng sau 2 tuần giảm. Với mức đóng cửa 67,96 USD/thùng, dầu Brent tăng 3,2 USD, tương đương 4,9%. Dầu WTI cũng tăng 3,18 USD, tương đương 5,17%, kết thúc tuần ở mức 64,68 USD/thùng.
Cũng trong tuần qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản xuống còn 2,25%, mức giảm lần thứ 7 trong một năm. ECB cũng cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi thuế quan của Mỹ, củng cố kỳ vọng nới lỏng chính sách hơn nữa trong những tháng tới.
Không giống ECB, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết Fed muốn chờ xem điều gì thực sự xảy ra đối với thương mại và các chính sách khác trước khi thực hiện bất kỳ điều chỉnh nào. Theo Chủ tịch Fed bang San Francisco Mary Daly, Fed có thể thực hiện nhiều hơn 2 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay nếu lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến hoặc thị trường lao động suy yếu.
Trong bối cảnh Fed vẫn giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 4,25% - 4,5% từ tháng 12/2024, Tổng thống Trump mới đây đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương Mỹ cắt giảm lãi suất.