Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 15/2025

Tuần qua, giá dầu biến động mạnh theo diễn biến thuế quan của Mỹ và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, với ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tiếp nhưng mức giảm được thu hẹp.  

Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, lo ngại mức thuế thương mại mới nhất của Mỹ có thể đẩy nền kinh tế trên toàn thế giới vào suy thoái và làm giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu đã khiến giá dầu trượt dốc hơn 2% xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm.

Đà giảm của giá dầu kéo sang phiên giao dịch thứ hai của tuần. Trong phiên này, giá dầu giảm hơn 1 USD khi các nhà đầu tư đánh giá khả năng suy thoái ngày càng tăng bởi cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc, , qua đó làm giảm nhu cầu năng lượng. Theo đó, Mỹ tuyên bố áp thuế 104% đối với Trung Quốc từ ngày 9/4. Để đáp lại, Trung Quốc công bố sẽ áp dụng mức thuế 84% đối với hàng hóa của Mỹ từ ngày 10/4.

Tại phiên giao dịch thứ 3 của tuần, giá dầu đã từ bỏ mức trượt dốc tới gần 7% hồi đầu phiên và bất ngờ bật tăng hơn 4% sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tiếp tục tăng thuế lên 125% đối với Trung Quốc nhưng tạm dừng áp mức thuế đã công bố hồi tuần trước đối với hầu hết các quốc gia khác trong 90 ngày. Giá dầu tăng bất chấp dữ liệu cho thấy tồn kho dầu của Mỹ tăng 2,6 triệu thùng.

Song, đà tăng của giá dầu đã nhanh chóng bị gián đoạn ở phiên giao dịch thứ tư. Trong phiên này, giá dầu giảm hơn 3% khi các nhà đầu tư đánh giá lại kế hoạch tạm dừng áp thuế quan toàn diện của Mỹ, đồng thời chuyển sự chú ý sang cuộc chiến thương mại ngày càng nghiêm trọng giữa Washington và Bắc Kinh.

Kể từ ngày 12/4, Trung Quốc sẽ áp thuế 125% đối với hàng hóa của Mỹ. Mức thuế mới này nhằm đáp trả việc ông Trump tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145%.

Mặc dù giá dầu tăng hơn 2% ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần sau khi có thông tin Mỹ có thể ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Tuy nhiên, mức tăng này không đủ để bù đắp cho mức giảm trong các phiên giao dịch trước đó.

Chốt tuần giá dầu Brent tăng 1,43 USD, tương đương 2,26%, lên mức 64,76 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng tăng 1,43 USD, tương đương 2,38%, lên mức 61,5 USD/thùng.

Chuyên gia từ Lipow Oil Associates cảnh báo nếu lệnh cấm xuất khẩu dầu của Iran được thực thi nghiêm ngặt, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ dự báo tiêu thụ dầu năm 2025 do lo ngại suy thoái. Reuters cũng dẫn khảo sát cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc – nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới – sẽ chậm lại vì áp lực từ chính sách thuế của Mỹ.

Các phân tích từ ANZ cho thấy nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm xuống dưới 3%, mức tiêu thụ dầu thế giới có thể giảm ít nhất 1%.

Bất chấp sự trồi sụt mạnh liên tục và sự phục hồi khiêm tốn từ mức thấp gần đây, xu hướng chung vẫn là bi quan. Với những lo ngại về kinh tế vĩ mô tiếp tục kéo tâm lý đi xuống, thị trường có khả năng vẫn chịu áp lực. Trừ khi căng thẳng thương mại giảm đáng kể, triển vọng của dầu vẫn nghiêng về phía giảm.