Nối tiếp chuỗi tăng 3 tuần liên tiếp, giá dầu tuần trước tiếp tục leo dốc, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm.
Giá được hỗ trợ bởi lo ngại chu kỳ tăng giá của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa kết thúc và dự báo cung-cầu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA).
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã giảm gần 1 USD bởi lo ngại Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, điều này có thể hạn chế nhu cầu trong bối cảnh thị trường thắt chặt hơn do các nhà sản xuất OPEC+ cắt giảm sâu nguồn cung.
Nhưng ngay trước khi có báo cáo về lạm phát của Mỹ vào thứ Tư, giá dầu lấy lại đà tăng hơn 2%. Các nhà đầu tư tỏ ra khá lạc quan với việc Fed sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết triển vọng Fed chỉ tăng lãi suất cơ bản một lần nữa với mức tăng 0,25 điểm phần trăm.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao tại OANDA nhận xét các dữ liệu trong tuần cho thấy bức tranh rõ ràng hơn về khả năng nền kinh tế Mỹ có đang bước vào giai đoạn suy thoái hay không và triển vọng nhu cầu dầu thô trong ngắn hạn.
Dấu hiệu lạm phát của Mỹ “hạ nhiệt” đã thúc đẩy giá dầu tăng thêm hơn 2% vào phiên giao dịch thứ 3 của tuần, lên mức cao nhất trong hơn một tháng. Giá dầu leo dốc bất chấp sự gia tăng nhỏ trong trữ lượng dầu thô của Mỹ. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng khiêm tốn 600.000 thùng.
Đến phiên giao dịch thứ tư, giá dầu đã mất hơn 1 USD sau cảnh báo của OPEC về sự bất ổn trong nhu cầu vào hè này. Theo OPEC, nhu cầu tiêu thụ dầu mùa hè của Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự yếu kém nào của nền kinh tế do lãi suất tăng, và sự mở cửa trở lại của Trung Quốc vẫn chưa ngăn được sự sụt giảm trong tiêu thụ dầu toàn cầu. Điều đáng chú ý trong báo cáo của OPEC là tồn kho thương mại của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tăng trong những tháng gần đây.
Tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đã tăng nhẹ bởi dự báo của IEA rằng nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm nay lên mức kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày, đồng thời cảnh báo việc cắt giảm sản lượng sâu theo công bố của OPEC+ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu và gây tổn hại cho người tiêu dùng.
Toril Bosoni, người đứng đầu bộ phận thị trường và công nghiệp dầu mỏ tại IEA cho biết, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ giảm 400.000 thùng/ngày vào cuối năm nay do sự gia tăng sản lượng của các nước ngoài OPEC, như Mỹ, Brazil, Canada và Na Uy, “không bù đắp được sự sụt giảm từ các nước OPEC”.
Giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 86,31 USD/thùng, WTI là 82,52 USD/thùng. Như vậy, giá dầu Brent đã tăng 1,5%, dầu WTI tăng 2,4%, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất của giá dầu kể từ tháng 6/2022.
Bà Bosoni cho biết với nhu cầu dầu tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm, dự đoán lượng tồn kho mới sẽ giảm và áp lực tăng giá.
Trong khi nhà phân tích Dixit của SKCharting.com cho biết, giá WTI vào tuần này trên mức EMA 50 tuần 82,60 đô la sẽ tạo động lực mạnh hơn nữa cho dầu thô của Mỹ có thể giúp vượt qua Đường trung bình động đơn giản 200 ngày là 82,90 đô la và SMA 100 tuần là 84,80 đô la.
Dixit cho biết thêm: “WTI có động lực tăng trên Dải bollinger trung bình hàng tháng ở mức 87 USD”.
“Mặt khác, đường EMA 5 ngày là 81,90 đô la đóng vai trò hỗ trợ, nếu thất bại, dầu thô của Mỹ có vẻ sẽ giảm xuống còn 80,40 đô la và 79,30 đô la.”
“Nếu lực bán tăng mạnh dưới vùng hỗ trợ ngang là 79,30 đô la, WTI có thể giảm xuống điểm đột phá để lấp đầy khoảng trống còn lại ở mức 75,70 đô la”.