Giá dầu thế giới có tuần tăng thứ 3 liên tiếp, chịu tác động từ chính sách thuế của Mỹ và diễn biến cung - cầu trên thị trường.
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu leo dốc hơn 1%, được được hỗ trợ bởi tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp mức thuế 25% đối với các quốc gia mua dầu và khí đốt từ Venezuela. Song, hạn chế đà tăng của giá dầu trong phiên này là quyết định gia hạn cho nhà sản xuất dầu Chevron thu hẹp hoạt động dầu mỏ và xuất khẩu từ Venezuela đến ngày 27/5 thay vì 30 ngày kể từ ngày 4/3.
Sang phiên giao dịch thứ hai, giá dầu diễn biến trái chiều với dầu Brent tăng 2 cent, dầu WTI giảm 1 cent. Sự tăng-giảm này của giá dầu là do thỏa thuận ngừng bắn về hàng hải và năng lượng giữa Nga và Ukraine đã bù đắp cho những lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn sau khi Mỹ đe dọa áp thuế đối với các quốc gia mua dầu của Venezuela.
Tồn kho xăng, dầu của Mỹ giảm và lo ngại ngày càng tăng về nguồn cung toàn cầu thắt chặt tiếp tục là những yếu tố hỗ trợ giá dầu tăng xấp xỉ 1% trong phiên giao dịch thứ 3. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần kết thúc vào ngày 21/3, tồn kho dầu của Mỹ giảm 3,3 triệu thùng, tồn kho xăng giảm 1,4 triệu thùng. Trong phiên, giá dầu bị kiềm chế tăng bởi triển vọng nhiều dầu của Nga sẽ trở lại thị trường sau thông tin Mỹ đã đạt được thỏa thuận với cả Ukraine và Nga về việc tạm dừng các cuộc tấn công trên biển và nhằm vào các mục tiêu năng lượng, và Washington đồng ý thúc đẩy dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Đà tăng của giá dầu kéo dài sang phiên giao dịch thứ tư của tuần khi các nhà giao dịch đánh giá tình hình nguồn cung dầu thô thắt chặt, mức thuế quan mới của Mỹ và tác động dự kiến của thuế quan đối với nền kinh tế thế giới.
Thông tin ông Trump có kế hoạch công bố mức thuế quan tương hỗ nhằm vào nhiều loại hàng nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 2/4 đã đẩy giá dầu giảm nhẹ ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Tuy nhiên, mức giảm này không đủ để lật ngược giá dầu trong tuần.
Với 3 phiên tăng, 1 phiên trái chiều và 1 phiên giảm, giá dầu xác lập tuần tăng thứ 3 liên tiếp, với dầu Brent tăng 1,9% lên mức 73,63 USD/thùng, dầu WTI tăng 1,6% chốt phiên ở mức 69,36 USD/thùng.
Tính từ khi chạm mức thấp nhất trong nhiều tháng hồi đầu tháng 3, giá dầu Brent đã lấy lại hơn 7% và giá dầu WTI đã tăng hơn 6%.
Các nhà phân tích của JPMorgan nhận định, mặc dù căng thẳng thương mại và nguy cơ suy thoái gia tăng, nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn ở mức ổn định. Thị trường đang cân nhắc những rủi ro leo thang trong chiến tranh thương mại. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch áp dụng mức thuế 25% đối với ô tô và xe tải nhẹ nhập khẩu, bắt đầu có hiệu lực vào tuần này.
Một yếu tố khác có thể làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung đến từ Hoa Kỳ khi Tổng thống Trump tìm cách giảm bớt thủ tục hành chính để cho phép các nhà sản xuất dầu mỏ bơm thêm dầu. Thị trường đang điều chỉnh lại dự báo về nguồn cung toàn cầu do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và Iran, trong đó ông Trump đã cam kết sẽ đưa xuất khẩu dầu của Iran về con số 0. Mỹ đã ban hành bốn vòng trừng phạt nhắm vào hoạt động bán dầu của Iran kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Trong khi đó tổ chức OPEC+ dự kiến bắt đầu chương trình tăng sản lượng dầu hàng tháng vào tháng 4/2025. Theo đó, nhóm này có khả năng sẽ tiếp tục tăng sản lượng dầu vào tháng 5/2025.