Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 13/2022

Giá dầu bước vào phiên giao dịch đầu tuần trước với sự sụt giảm mạnh do viễn cảnh nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc sụt giảm sau khi các nhà chức trách ở Thượng Hải cho biết sẽ đóng cửa trung tâm tài chính của nước này cho một đợt xét nghiệm COVID-19 trong vòng 9 ngày.

Giá dầu tiếp tục chịu sức ép, khi Nhà Trắng thông báo sẽ giải phóng 1 triệu thùng dầu/ngày trong 6 tháng tới từ kho Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR) – Đây là đợt xả dầu từ SPR lớn kỷ lục trong một nỗ lực làm dịu đà tăng giá dầu và khí đốt.

Tuy nhiên, giới phân tích hoài nghi khả năng thành công của kế hoạch. “Phản ứng bán tháo sau thông báo xả dầu từ SPR trong 6 tháng sẽ không kéo dài, và nếu rủi ro địa chính trị gia tăng, giá dầu sẽ sớm phục hồi”, Ed Moya, nhà phân tích tại OANDA, nhận định.

Kết thúc phiên 1/4, giá dầu Brent tương lai giảm 32 cent, tương đương 0,3%, xuống 104,39 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 1,01 USD, tương đương 1%, xuống 99,27 USD/thùng.

Chốt tuần, giá dầu Brent và WTI đều giảm khoảng 13%, tuần giảm mạnh nhất 2 năm.

Barani Krishnan của Investing nhận định thị trường năng lượng đang giằng co trước các quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Tổng thống Nga muốn châu Âu thanh toán tiền mua khí đốt bằng ruble trong khi ông chủ Nhà Trắng kỳ vọng có thể tạo ra đủ nguồn cung để ngăn giá xăng dầu trong nước tăng.

Với Nga, lời cảnh báo “thanh toán bằng ruble hoặc không có khí đốt nào” được đưa ra trong bối cảnh cao điểm mùa đông ở châu Âu đã qua, dấy lên câu hỏi về mức độ nhượng bộ từ các bên mua với yêu cầu của Moscow.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đã có sự phản đối nhất định và sự đối đầu này có thể kéo dài cho đến khi cái lạnh trở lại vào cuối mùa đông, khiến châu Âu cảm thấy áp lực, cần phải cân nhắc một thỏa thuận hoặc nhượng bộ Moscow. Đó có thể là tháng 11. Và nếu Nga quyết tâm, châu Âu có thể không mua được khí đốt trong 7 tháng.

Trong ngắn hạn, nếu khí đốt Nga định bán cho châu Âu được chuyển hướng vào kho dự trữ, sức chứa sẽ đầy trong 3 – 4 tháng, việc khai thác phải dừng lại, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng dài hạn, theo giới phân tích.

Trong khi đó, OPEC và các đồng minh, tức OPEC+, ngày 31/3 quyết định tăng sản lượng 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5, tăng một chút so với mức 400.000 thùng/ngày như các tháng trước đó.

OPEC+ cho biết những biến động trong giá dầu gần đây “không phải do các yếu tố cơ bản mà là vì địa chính trị”, nhắc đến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 3 giàn khoan dầu và khí, nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động lên 633, công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết.

Xu hướng chính của giá WTI vẫn là tăng nhưng với diễn biến tuần vừa qua, niềm tin nhà đầu tư phần nào cũng bị ảnh hưởng, theo Sunil Kumar Dixit, giám đốc chiến lược kỹ thuật tại SK Charting.

“Trong tuần, giá dầu WTI có mức hỗ trợ ở 96,45 USD/thùng và kháng cự ở 108,45 USD/thùng. Vượt 101,45 USD/thùng sẽ thu hút người mua, hướng đến mục tiêu 104 – 106 – 109 USD/thùng, thậm chí hơn nữa. Ở chiều ngược lại, không vượt được vùng 101,45 – 106 USD/thùng có thể tạo ra áp lực bán đẩy giá dầu WTI về vùng 93 – 98 USD/thùng”.