Giá dầu thế giới có tuần tăng thứ hai với dầu WTI và Brent tăng lần lượt khoảng 2,1% và 1,6%. Đây là tuần leo dốc mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng nhẹ, tối đa 49 cent, sau khi Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công lực lượng Houthi ở Yemen cho đến khi nhóm này chấm dứt các cuộc tấn công vào các tàu trên Biển Đỏ. Ngoài ra, giá cũng được hỗ trợ bởi dữ liệu kinh tế cho thấy tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 1 và 2 tăng nhanh, làm dấy lên hy vọng về nhu cầu cao hơn; và đồng USD suy yếu.
Tuy nhiên, giá dầu đã hạ nhiệt khoảng 1% ở phiên giao dịch tiếp theo. Gây sức ép lên giá dầu là khả năng nguồn cung dầu của Nga sẽ tăng trở lại sau khi Tổng thống Nga V. Putin đồng ý với đề xuất của người đồng cấp Mỹ Donald Trump về việc Nga và Ukraine ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau trong 30 ngày. Những lo ngại về kinh tế liên quan đến thuế quan thương mại của ông Trump cũng là yếu tố đẩy giá dầu lao dốc.
Đến phiên giao dịch thứ 3 của tuần, giá dầu nhích tăng nhẹ 0,3% do các yếu tố trái chiều. Trong khi giá dầu được hỗ trợ bởi tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ giảm, thì quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25% - 4,5% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại hạn chế đà tăng. Kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed đã phát tín hiệu rằng chi phí đi vay có thể giảm 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm nay, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát giảm.
Thông tin Mỹ ban hành vòng trừng phạt thứ tư nhằm hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu của Iran và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông (Israel tiến hành chiến dịch trên bộ mới tại Gaza, phá vỡ lệnh ngừng bắn kéo dài gần 2 tháng) đã đẩy giá dầu bật tăng gần 2% ở phiên giao dịch thứ tư.
Giá dầu tiếp tục được hỗ trợ ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần bởi lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran và kế hoạch sản lượng mới nhất từ OPEC+, làm dấy lên kỳ vọng về nguồn cung sẽ thắt chặt hơn.
Theo Reuters, OPEC+ đã cho phép 7 thành viên cắt giảm sản lượng hằng tháng trong khoảng 189.000 đến 435.000 thùng/ngày cho đến tháng 6/2026, nhằm bù đắp cho việc sản xuất nhiều hơn mức đã thỏa thuận.
Giá dầu tăng những phiên gần đây nhờ tác động từ các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran cùng kế hoạch sản lượng mới nhất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) làm dấy lên lo ngại nguồn cung sẽ thắt chặt hơn trong thời gian tới.
Ngày 20.3, Bộ Tài chính Mỹ công bố loạt lệnh trừng phạt mới liên quan đến Iran, lần đầu tiên nhắm vào một nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc, cùng nhiều tàu thuyền tham gia vận chuyển dầu thô của Iran sang Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng, động thái này có thể gửi tín hiệu tới thị trường rằng các công ty Trung Quốc, những khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran, không nằm ngoài tầm ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Như vậy, với 4 phiên tăng và duy nhất 1 phiên giảm, dầu Brent kết thúc tuần giao dịch ở mức 72,16 USD/thùng, dầu WTI chốt tuần ở mức 68,28 USD/thùng.