Giá dầu đã có một tuần đầy biến động qua từng phiên giao dịch. Giá dầu bắt đầu tuần với sự leo dốc ngoạn mục hơn 7% khi các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) chưa tìm được tiếng nói chung trong việc nên hay không nên áp lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga.
Giá dầu còn được hỗ trợ bởi thông tin thiếu hụt tới 3 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày kể từ tháng 4, tương đương 3% tổng sản lượng dầu của thế giới, nếu dầu Nga tiếp tục bị người mua quay lưng. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng thế giới có thể rơi vào cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Một nhân tố khác khiến giá dầu tiếp đà chinh phục các mức đỉnh đã đạt được sau 2 tuần giảm sốc là sự sụt giảm tạm thời sản lượng tại một liên doanh lọc dầu của Saudi Aramco- công ty sản xuất dầu lớn của Ả-rập Xê-út - ở Yanbu sau vụ tấn công của nhóm Houthi của Yemen vào Ả-rập Xê-út. Thêm vào đó, việc sửa chữa để nối lại đường ống dẫn dầu Caspian Pipeline Consortium (CPC) của Kazakhstan bị hư hại do bão cũng làm dấy lên lo ngại gián đoạn nguồn cung trong thị trường đang “khát” dầu vì sản lượng có thể giảm khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian sửa chữa.
Ngoài ra, giá “vàng đen” còn được hỗ trợ khi dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy các kho dự trữ dầu thô nước này giảm 2,5 triệu thùng trong tuần trước, so với kỳ vọng tăng khiêm tốn.
Tuy nhiên, giá dầu đã có nhiều thời điểm chững lại, rồi giảm tốc và từ từ lao dốc. Cụ thể, giá dầu ngày 24/3 đã giảm 2% sau khi EU nói “Không” với kế hoạch ‘tẩy chay’ dầu của Nga và các báo cáo rằng xuất khẩu dầu qua đường ống dẫn dầu của Kazakhstan sẽ được nối lại một phần.
Theo nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank, nếu không có lệnh cấm vận của EU đối với dầu Nga, các lệnh trừng phạt khó có thể có tác động lớn đến thị trường dầu.
Giá dầu tiếp đà giảm khi EU và Mỹ đạt được một thỏa thuận về khí đốt, theo đó, EU sẽ giảm sự lệ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu của Nga.
Việc các nhà giao dịch bắt đầu định giá một thỏa thuận hạt nhân tiềm năng giữa Mỹ và Iran có thể dẫn đến việc giải phóng nhiều nguồn cung hơn, và khả năng Mỹ và các đồng minh phối hợp giải phóng dầu khỏi kho dự trữ dầu chiến lược của mình để “xoa dịu” thị trường dầu cũng là những nhân tố tác động đẩy giá dầu “trượt dốc”. Mỹ đang cân nhắc xả thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược, lần này có thể nhiều hơn đợt xả 30 triệu thùng hồi đầu tháng.
Tuy nhiên, sự trượt giá này của dầu không kéo dài bởi những lo ngại về gián đoạn nguồn cung ngày một lớn dần khi Ả-rập Xê-út liên tiếp bị tấn công bởi nhóm Houthi, và mục tiêu bị tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái này là các cơ sở thuộc tập đoàn dầu mỏ Aramco và các nhà máy lọc dầu Ras Tanura và Rabigh.
Arab Saudi trước đó tuyên bố không chịu trách nhiệm trong trường hợp thế giới thiếu cung vì các vụ tấn công từ Houthi lên các cơ sở dầu mỏ của Riyadh.
Giá dầu đã nhanh chóng trở lại đà tăng, kết thúc phiên 25/3, giá dầu Brent tương lai tăng 1,62 USD, tương đương 1,4% lên 120,65 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 1,56 USD, tương đương 1,4%, lên 113,9 USD/thùng.
Tính cả tuần, dầu Brent đã tăng hơn 11,5% và WTI tăng 8,8%, đánh dấu một tuần tăng của giá dầu, cắt đứt chuỗi giảm hai tuần liên tiếp.
Với sự thiếu hụt nguồn cung liên tiếp này, giá dầu tuần tới dự báo vẫn sẽ tăng.
Theo Sunil Kumar Dixit, giám đốc chiến lược kỹ thuật tại SK Charting, giá dầu WTI tuần này cần giữ trên 112 USD/thùng để vượt mốc 120 USD/thùng. Đóng cửa phiên dưới 112 USD/thùng có thể đẩy giá dầu WTI về 104 USD/thùng, thậm chí là 98 USD/thùng.