WTI và Brent đã kết thúc tuần trước với giá thấp hơn, diễn biến giá hôm thứ Sáu cho thấy khả năng áp lực giảm giá hơn nữa.
Đầu tuần, thị trường có thể bứt phá ngưỡng kỹ thuật quan trọng trên đường lên mức cao nhất trong 4 tháng, chủ yếu là nhờ cắt giảm nguồn cung do OPEC dẫn đầu và đồn đoán về việc gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, những mức tăng này đã bị xóa đi khi những lo ngại về nhu cầu được đưa lên hàng đầu vào thứ Sáu.
Mặc dù người mua đã có thể đưa giá lên một mức cao mới trong nhiều tháng, nhưng dầu thô WTI và Brent đã chốt ở mức giá thấp hơn ba trong năm phiên ở tuần trước. Điều này cho thấy việc bán có thể trở nên mạnh hơn hoặc việc mua yếu hơn.
Về cơ bản, len lỏi vào tâm trí của các trader là mối lo ngại về nhu cầu do lo lắng về sự trì trệ của nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Fed đã góp phần vào những lo lắng về nhu cầu trong nước khi họ hạ dự báo tăng trưởng và ám chỉ nền kinh tế không đủ mạnh để chống đỡ bất kỳ sự tăng lãi suất nào trong năm nay.
Lo ngại càng gia tăng khi các báo cáo cho thấy các nhà sản xuất ở châu Âu, Nhật Bản và Mỹ phải chịu đựng trong tháng 3 khi các cuộc khảo sát cho thấy căng thẳng thương mại đã ảnh hưởng đến sản lượng của nhà máy.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sơ bộ của HIS Markit, đã giảm còn 44,7 điểm trong tháng 3, thấp nhất kể từ năm 2012 và thấp hơn con số kỳ vọng 48 của giới kinh tế gia, theo số liệu ngày 22/3. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số này dưới 50, trong bối cảnh số đơn đặt hàng mới và việc làm giảm.
Số liệu trên làm gia tăng lo ngại về nguy cơ kinh tế toàn cầu chững lại, nhu cầu năng lượng giảm.
Số liệu mới về tồn kho dầu thương mại và hoạt động khai thác ở Mỹ cũng là yếu tố đang chú ý.
Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô đã bất ngờ giảm gần 10 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/3, giảm mạnh nhất kể từ tháng 7, nhờ xuất khẩu mạnh và nhu cầu tinh chế.
Số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ tuần trước giảm 9 xuống còn 824, tuần giảm thứ 5 liên tiếp và ở mức thấp nhất gần 1 năm.
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung tiếp tục là tiêu điểm. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cùng các quan chức chính quyền Trump sẽ tới Bắc Kinh trong tuần này.
Giá dầu ngày 22/3 giảm, rời khỏi đỉnh 4 tháng, do lo ngại về kinh tế toàn cầu gia tăng.
Cụ thể, giá dầu WTI giảm 94 cent, tương đương 1,6%, xuống 59,04 USD/thùng, chốt tuần vẫn tăng 0,9%. Giá dầu Brent giảm 92 cent, tương đương 1,4%, xuống 66,75 USD/thùng, chốt tuần giảm 0,2%.
Lo ngại về tình trạng suy giảm của kinh tế toàn cầu, có thể kéo tụt lực cầu năng lượng, sẽ là yếu tố tác động mạnh nhất đến thị trường dầu trong tuần. Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần:
Ngày 26/3
Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cập nhật hàng tuần về nguồn cung dầu Mỹ.
Ngày 27/3
EIA cập nhật hàng tuần về tồn kho dầu Mỹ.
Ngày 29/3
Công ty dịch vụ năng lượng Mỹ cập nhật số liệu về giàn khoan dầu Mỹ.