Giá dầu thế giới đã có một tuần lao dốc bởi lo ngại về những bất ổn của ngành ngân hàng. Cả dầu Brent và WTI đều giảm sâu hơn 10%.
Thị trường dầu đã trải qua một tuần giao dịch khá chật vật vì cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng, với sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank và giá cổ phiếu của Credit Suisse sập sàn sau khi cổ đông lớn nhất của Credit Suisse là Saudi National Bank thông báo sẽ không thể hỗ trợ tài chính thêm cho ngân hàng này.
Trong 5 phiên giao dịch, giá dầu đã giảm tới 4 phiên. Đặc biệt, trong mỗi phiên, giá dầu đều biến động mạnh, giảm sâu.
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã giảm hơn 2%. Thị trường chứng khoán chao đảo khi xuất hiện các tin tức liên quan đến ngân hàng và lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính mới khiến giá dầu trượt dốc. Vụ phá sản của ngân hàng SVB đã gây ra những biến động lớn đối với cổ phiếu ngân hàng khi các nhà đầu tư lo ngại về tình hình tài chính của một số ngân hàng, bất chấp sự đảm bảo từ Tổng thống Mỹ và các nhà hoạch định chính sách toàn cầu khác.
Tuy nhiên, giá dầu đã không giảm sâu bởi đà phanh đến từ nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc.
Mối đe dọa một cuộc khủng hoảng tài chính mới sẽ làm giảm nhu cầu dầu trong tương lai tiếp tục đẩy giá dầu rơi tự do hơn 3 USD xuống mức thấp nhất trong 3 tháng tại phiên giao dịch thứ hai của tuần.
Chuỗi giảm của giá dầu kéo dài đến phiên giao dịch thứ ba. Giá dầu giảm mạnh thêm khoảng 5% xuống mức thấp nhất trong hơn một năm do các nhà đầu tư lo lắng Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse khi cổ phiếu của ngân hàng này đã có lúc giảm sâu tới hơn 30% khiến thị trường thế giới hoảng sợ bất chấp kỳ vọng phục hồi nhu cầu dầu của Trung Quốc.
Trong khi đó, giá tiêu dùng tại Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 2 khi người Mỹ liên tục phải đối mặt với chi phí thuê nhà và thực phẩm cao hơn. Điều này đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khi cuộc chiến chống lạm phát đã trở nên phức tạp do sự sụp đổ của hai ngân hàng khu vực.
Trong bối cảnh đó, chính báo cáo về cuộc gặp giữa Ả Rập Xê-út và Nga để thảo luận về cách tăng cường sự ổn định của thị trường đã trở thành nhân tố quan trọng kéo giá dầu quay đầu, cắt đứt chuỗi lao dốc sốc của giá dầu.
Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, và Phó thủ tướng Nga Alexander Novak, cả hai quốc gia vẫn giữ nguyên cam kết theo quyết định của OPEC+ vào tháng 10/2022 về việc cắt giảm mục tiêu sản xuất 2 triệu thùng dầu/ngày cho đến cuối năm nay.
Các thành viên của OPEC+ cho rằng sự suy yếu về giá trong tuần này là do các động lực tài chính hơn là do bất kỳ sự mất cân bằng cung cầu nào.
Ngoài ra, vẫn có một nhân tố tích cực khác đối với thị trường là báo cáo hàng tháng của OPEC dự báo nhu cầu dầu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, sẽ cao hơn trong năm 2023. Dù vậy, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,32 triệu thùng/ngày, tương đương 2,3% trong năm nay.
Nhưng sự phục hồi của giá dầu không kéo sang được phiên thứ hai. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu giảm hơn 2%, kéo dài mức giảm của dầu Brent và WTI trong tuần. Tính cả tuần, giá dầu Brent đã giảm gần 12% - mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 12/2022 và giá dầu WTI đã giảm 13% - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2022.
Việc giá dầu WTI giảm xuống dưới 70 USD/thùng có thể thúc đẩy Chính phủ Mỹ bắt đầu mua dầu bổ sung cho kho dự trữ dầu chiến lược của mình và điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu.
Sau những biến động của giá dầu tuần trước, Natasha Kaneva, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại JP Morgan, người đã từng kỳ vọng giá dầu Brent sẽ giao dịch trung bình ở mức 89 USD/thùng trong quý II năm nay, đã phải nhận xét rằng giá dầu khó có thể quay trở lại mức đó trong thời gian tới. Thay vào đó, giá sẽ giao dịch trong khoảng từ 70 đến 80 USD/thùng, trừ khi có sự thay đổi trong chiến lược của OPEC hay sự bổ sung mạnh cho kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ.
Theo bà Kaneva, phân tích lịch sử cho thấy sự sụp đổ lan rộng trên thị trường tài chính có xu hướng xâm nhập sâu hơn và lâu hơn vào nền kinh tế thực, làm cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng và tác động mạnh đến nhu cầu dầu mỏ.
Ủy ban cố vấn của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn khác (nhóm OPEC+) sẽ nhóm họp vào ngày 3/4. Giới phân tích nhận định rằng việc giá dầu giảm hơn nữa có thể khiến OPEC+ giảm nguồn cung để ngăn tồn kho tăng trong quý II/2023.