Mặc dù đã lấy lại được đà tăng trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng tính chung trong tuần giao dịch từ 15-19/3, giá dầu vẫn giảm mạnh.
Giá dầu thế giới khởi đầu tuần giao dịch với đà tăng mạnh khi thông tin về số lượng giàn khoan của Mỹ giảm mạnh và tâm lý lạc quan của giới đầu tư trước nhận định giá dầu lên 100 USD/thùng.
Nhưng khi những lo ngại về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu dấy lên, kéo theo đó là khả năng cải thiện nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu yếu đi, giá dầu thế giới đã quay đầu giảm mạnh.
Xu hướng tăng của thị trường năng lượng từ cuối tháng 10 - nhờ chính sách hạn chế sản lượng của OPEC và đồng minh (tức OPEC+), kỳ vọng kinh tế Mỹ tái mở cửa sau đại dịch Covid-19 và gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD từ chính quyền Tổng thống Joe Biden - đã bị “bẻ gãy”.
Lực cầu nhiên liệu máy bay và các phương tiện vận tải khác vẫn yếu bởi hoạt động đi lại trên thế giới vẫn bị hạn chế đáng kể vì Covid-19.
Châu Âu gần đây lại chật vật ứng phó số ca nhiễm Covid-19 mới, tốc độ tiêm vaccine Covid-19 chậm một cách đáng ngại, nhiều khu vực tái áp lệnh phong tỏa như thủ đô Paris, Pháp.
John Kilduff, nhà phân tích tại Again Capital nhận định: “Giá dầu WTI có nguy cơ về dưới 60 USD/thùng nếu thị trường diễn biến trước thực tế và không có số liệu hỗ trợ”.
Thông tin tiêu cực gồm mùa bảo dưỡng cơ sở lọc dầu sắp đến, nguy cơ đẩy tồn kho tại Mỹ tăng, sản lượng dầu ở Libya có thể tăng, Iran tăng xuất khẩu dầu. Biểu đồ kỹ thuật cũng cho thấy thị trường năng lượng biến động nhiều hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, khi một số yếu tố rủi ro bị loại trừ và thị trường được hỗ trợ bởi thông tin nhiều nước châu Âu tái sử dụng vắc-xin Covid-19 AstraZeneca coronavirus, giá dầu ghi nhận đà tăng trở lại.
Kết thúc phiên 19/3, giá dầu Brent tương lai tăng 1,25 USD, tương đương 2%, lên 64,53 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 1,42 USD, tương đương 2,4%, lên 61,42 USD/thùng. Trong phiên, giá cả hai loại dầu đều biến động với biên độ hơn 2 USD/thùng.
Chốt tuần, giá dầu Brent giảm 6,8%, giá dầu WTI giảm 6,4%.
Thông tin tích cực gồm Mỹ đã tiêm chủng 100 triệu liều vaccine Covid-19 và việc Cơ quan Dược phẩm châu Âu xác nhận vaccine của AstraZeneca/Oxford an toàn, làm trấn an lo ngại sau khi hàng loạt quốc gia đình chỉ sử dụng loại vacxin này.
Goldman Sachs cho biết những rào cản liên quan đến nhu cầu ở châu Âu và nguồn cung của Iran sẽ làm chậm quá trình tái cân bằng thị trường dầu bằng cách thêm vào khoảng 750.000 thùng/ngày trong quý 2/2021, mặc dù họ hy vọng nhóm OPEC+ sẽ hành động để bù đắp điều đó.
Iran đã xuất khẩu lượng dầu thô kỷ lục cho Trung Quốc trong những tháng gần đây, trong khi các nhà máy lọc dầu của Chính phủ Ấn Độ đã bổ sung dầu của Iran vào kế hoạch nhập khẩu hàng năm với giả định rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ được nới lỏng. Goldman Sachs dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng đáng kể trong những tháng tới, với dầu Brent dự kiến tăng lên 80 USD/thùng vào mùa hè này.
Diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 tại một số quốc gia như như Đức, Triều Tiên, Pakistan, Đan Mạch… với sự xuất hiện các ca nhiễm mới, trong khi nhiều nước tái thiết lập các biện pháp giãn cách xã hội như Pháp, Ba Lan… sẽ là nhân tố quan trọng tác động đến diễn biến giá dầu thô thời gian tới.
Theo nhận định của giới chuyên gia, áp lực giảm giá vẫn sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới, thậm chí có thể gia tăng khi mà căng thẳng Nga – Mỹ và Mỹ - Trung Quốc có chiều hướng gia tăng.
Số liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 12/3 tăng 2,4 triệu thùng, thấp hơn dự báo tăng 3 triệu thùng từ giới phân tích.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần triển khai thêm 9 giàn khoan, tuần tăng nhiều nhất kể từ tháng 1, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.