Giá dầu có tuần giảm với dầu Brent giảm 1,8%, dầu WTI giảm 2,5%. Cụ thể, ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã giảm do những cơn gió ngược về nhu cầu cân bằng với việc OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng dầu/ngày sang quý II năm nay. Trong phiên giao dịch này, dầu Brent giảm gần 1 USD trong khi dầu WTI giảm hơn 1 USD.
Giá tiếp tục mất thêm gần 1% ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần bất chấp sự sụt giảm của đồng USD. Sự biến động của giá dầu trong phiên chịu tác động bởi thông tin Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 là khoảng 5%. Mục tiêu này tương tự như mục tiêu của năm ngoái và như với kỳ vọng của các nhà phân tích. Tuy nhiên, việc thiếu các kế hoạch kích thích lớn để vực dậy nền kinh tế đã khiến các nhà đầu tư thất vọng.
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến giá dầu là dữ liệu cho thấy trong tháng 2, PMI dịch vụ của Mỹ giảm xuống 52,6 từ mức 53,4 hồi tháng 1. PMI phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục, bất chấp việc Fed tăng lãi suất 525 điểm cơ bản kể từ tháng 3/2022.
Tuy nhiên, giá dầu đã đảo chiều ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần. Tồn kho dầu thô của Mỹ tăng ít hơn dự kiến, trong khi tồn kho xăng và các sản phẩm chưng cất giảm nhiều hơn dự kiến, và kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất trong năm nay đã hỗ trợ giá dầu quay đầu tăng khoảng 1%.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần kết thúc vào ngày 1/3, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 1,4 triệu thùng, thấp hơn so với mức dự báo tăng 2,1 triệu thùng của các nhà phân tích. Ngược với sự gia tăng trong tồn kho dầu, tồn kho xăng của Mỹ đã giảm 4,5 triệu thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 4,1 triệu thùng.
Đáng chú ý là trong phiên thị trường đón nhận bình luận từ Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn dự kiến sẽ giảm lãi suất chuẩn vào cuối năm nay.
Đà tăng của giá dầu đã được kéo dài sang phần lớn thời gian của phiên giao dịch thứ tư của tuần. Nhưng đến cuối phiên, giá dầu đã từ bỏ mức tăng, quay đầu giảm nhẹ. Trong phiên giao dịch này, giá dầu Brent đi ngang, dầu WTI giảm 20 cent. Giá dầu ít thay đổi do thị trường cân nhắc dữ liệu kinh tế mới từ Trung Quốc trước nguồn cung ngày càng tăng từ Tây bán cầu.
Tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu giảm hơn 1% do thị trường vẫn thận trọng với nhu cầu yếu của Trung Quốc bất chấp yếu tố tăng giá từ việc OPEC+ gia hạn cắt giảm nguồn cung. Giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 82,08 USD/thùng, giảm 1,8% cả tuần. Giá dầu WTI đóng cửa ở mức 78,01 USD/thùng, giảm 2,5% cả tuần.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết, tại Mỹ, các công ty năng lượng đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu từ 2 giàn xuống còn 504 giàn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ ngày 23/2.
Thị trường dầu mỏ đã nhận được tín hiệu về thời điểm có thể cắt giảm lãi suất ở Mỹ và Liên minh châu Âu trong hai phiên trước đó. Lãi suất thấp hơn có thể làm tăng nhu cầu dầu bằng cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.