Giá dầu tuần trước đảo chiều giảm, chịu ảnh hưởng bởi những chỉ số kinh tế vĩ mô khi các nhà giao dịch chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng nhu cầu của Trung Quốc.
Trong 5 phiên giao dịch, giá dầu tăng 2 phiên và giảm giá 3 phiên liên tiếp.
Giá dầu đã leo dốc ở phiên giao dịch đầu tiên và kết thúc tuần. Giá dầu tăng nhẹ khi các giám đốc điều hành dầu hàng đầu thế giới thảo luận về tình trạng thắt chặt nguồn cung và hy vọng nhu cầu của Trung Quốc tăng lên tại hội nghị năng lượng CERAWeek ở Houston, bang Texas, Mỹ.
Sau đó, giá dầu đã trượt dốc không phanh 3 phiên liên tiếp trong bối cảnh lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chuyển sang tăng lãi suất mạnh hơn sau bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell, và dữ liệu yếu từ nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc.
Điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Powell cho biết Fed có thể sẽ cần tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến do dữ liệu kinh tế mạnh mẽ gần đây. Đồng thời, ông để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm khi các nhà hoạch định chính sách họp vào cuối tháng 3. Phát biểu của ông Powell đã đẩy hầu hết các loại hàng hóa và thị trường tài chính lao dốc.
Sau đó một ngày, trước một ủy ban Hạ viện, Chủ tịch Fed nhắc lại rằng hiện chưa có quyết định nào được đưa ra về quy mô đợt tăng lãi suất tháng 3, nhấn mạnh tầm quan trọng của các số liệu sẽ được công bố sắp tới.
Giá dầu đã giảm bất chấp dự trữ xăng, dầu của Mỹ trong tuần trước giảm. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 1,7 triệu thùng trong tuần trước, tuần giảm đầu tiên sau 10 tuần tăng liên tiếp. Dự trữ xăng của Mỹ cũng giảm 1,1 triệu thùng. Điều này làm tăng thêm lo ngại về nhu cầu.
Lo ngại nguy cơ suy thoái toàn cầu cùng nhu cầu giảm bởi các ngân hàng trung ương lớn đua nhau tăng lãi suất tiếp tục đẩy giá dầu lao dốc. Tuy nhiên, sự lao dốc này của giá dầu chỉ dừng lại ở phiên thứ 3. Giá dầu đã lấy lại được đà tăng ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần sau dữ liệu việc làm của Mỹ tốt hơn mong đợi.
Theo Reuters, trong tháng 2, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng thêm 311.000 việc làm, cao hơn so với kỳ vọng 205.000 việc làm. Điều này có khả năng đảm bảo rằng Fed sẽ tăng lãi suất trong thời gian dài hơn.
Nhiều chuyên gia phân tích kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 21 và 22/3.
Các nhà đầu tư đang theo dõi sát việc cắt giảm xuất khẩu từ Nga. Moscow đã quyết định cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng Ba.
Thị trường dầu thô đang bị kẹt giữa lạm phát cao và thị trường việc làm khởi sắc. Một báo cáo việc làm mạnh hơn và triển vọng không mấy tươi sáng theo lời của ông Powell đã tái khẳng định niềm tin rằng Fed không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng lãi suất lên cao hơn nữa.
Lập trường của Chủ tịch Fed rất cứng rắn. Hiện thị trường định giá Fed sẽ điều chỉnh lãi suất tăng mạnh hơn, đồng thời lãi suất cuối kỳ cao hơn và có thể đạt 6%.
Kết quả là khả năng xảy ra suy thoái tăng lên kéo theo nhu cầu dầu đi xuống, khiến giá dầu giảm khi các thương nhân bắt đầu đặt cược vào tình trạng kinh tế suy thoái – một hệ quả từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở Mỹ.
Tuy nhiên, một báo cáo việc làm khả quan cho thấy nền kinh tế có khả năng phục hồi và có thể chống chịu lãi suất quỹ liên bang cao hơn vào thời điểm hiện tại.
Trong vài tuần tới thị trường năng lượng có thể sẽ “không ổn định”, với việc giao dịch dầu mỏ “không có định hướng rõ ràng”.