Giá dầu trải qua một tuần đầy biến động khi cả dầu WTI và Brent chạm mức đỉnh trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần với Brent tăng sốc lên 139,13 USD/thùng, WTI hơn 130 USD/thùng, do lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi người mua từ chối tiếp cận dầu Nga vì sợ có thêm nhiều lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, cũng như khó có thể có được nguồn dầu từ Iran bởi sự chậm trễ trong việc kết thúc các cuộc đàm phán hạt nhân Iran tưởng chừng như sắp đạt được.
Tuy nhiên, sự tăng sốc của giá dầu không được duy trì lâu. Giá dầu đã dần dần giảm tốc và quay đầu trượt dốc tới 13% khi thị trường tiếp nhận thông tin các vòng đàm phán hạt nhân Iran lại rơi vào bế tắc khi Nga yêu cầu Mỹ đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt mà nước này phải đối mặt trong cuộc xung đột Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến thương mại của họ với Tehran.
Sau đó, giá dầu đã tăng nhẹ sau thông báo của tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Mỹ cấm nhập khẩu năng lượng của Nga. Điều này sẽ làm cho nguồn cung dầu của Nga gặp khó khăn hơn, bởi sẽ có nhiều quốc gia có thể sẽ hành động giống Mỹ trong tương lai gần.
Nhưng sự thiếu hụt dầu Nga sau đó đã được bù đắp bằng khả năng bổ sung thêm dầu của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Iraq, đẩy giá dầu đi xuống trở lại.
Ngoài ra, với thông tin các nước tiêu thụ dầu lớn trên thế giới có thể giải phóng thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược của mình cũng góp phần khiến giá giảm.
Giá vàng đen đã liên tục trồi sụt trong tuần trước. Dù đạt mức tăng lúc chốt phiên giao dịch tuần nhưng đã có một tuần lao dốc với Brent giảm 4,6% và WTI giảm 5,8%.
Chắc chắn giá dầu tuần này cũng sẽ tiếp tục biến động theo diễn biến của cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có hồi kết, các báo cáo thị trường dầu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cũng như các lệnh trừng phạt có thể của EU đối với Nga.
Sự kiện đáng chú ý trong tuần này là cuộc họp chính sách của Fed ngày 15 – 16/3. Sau nhiều tháng đồn đoán, hiện thị trường chắc chắn đến 99,99% rằng Fed sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong thời đại dịch. Điều còn mơ hồ là liệu Chủ tịch Fed có giữ cách tiếp cận chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm hay buộc phải mạnh tay hơn ở 0,5 điểm phần trăm.
Công cụ Rate Monitor của Investing cho thấy có 94,5% khả năng Fed tăng lãi suất 25 – 50 điểm cơ bản.
Thế khó của Fed là họ phải siết chính sách tiền tệ nhằm ứng phó lạm phát cao đúng vào thời điểm thị trường thêm bất ổn vì xung đột Nga – Ukraine. CPI tháng 2 của Mỹ lên cao nhất 40 năm và dự đoán có tăng hơn nữa trong tháng 3, khi xu hướng tăng giá hàng hóa được phản ánh rõ hơn.
Fed được dự báo có thể tăng lãi suất tới 7 lần năm nay, bằng số lần họp của Fed. Thị trường vẫn còn một yếu tố nữa cần theo dõi là quy mô bảng cân đối kế toán của Fed, hiện lên gần 9.000 tỷ USD sau khi ngân hàng trung ương Mỹ mua vào trái phiếu chính phủ và chứng khoán thế chấp để hỗ trợ nền kinh tế.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước giữ triển khai thêm 13 giàn khoan dầu và khí, nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động lên 663, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.