Tuần qua, thị trường dầu thế giới ghi nhận một tuần tăng giá khá mạnh. Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu đã tăng 4 phiên và giảm duy nhất 1 phiên. Giá dầu tăng, giảm do chịu tác động bởi nhiều yếu tố.
Mặc dù có tới 4 phiên leo dốc, nhưng ngay trong các phiên giao dịch, giá dầu cũng liên tục biến động tăng, giảm theo các tin tức thị trường.
Tại phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã giảm khoảng 1% do dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ khiến các nhà đầu tư chuẩn bị sẵn sàng cho các đợt tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát. Theo các quan chức Fed, mặc dù lạm phát ở Mỹ có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ. Vì vậy, khả năng Fed tăng mức lãi suất thêm 50 điểm cơ bản ngày càng được củng cố.
Ở phiên giao dịch tiếp theo, giá dầu đã tăng gần 2%, lấy lại được những mất mát của phiên trước đó, do hy vọng nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ đã bù đắp cho lo ngại về việc Mỹ tăng lãi suất.
Tuy nhiên, mức tăng của giá dầu Brent và WTI đã bị kìm lại ở phiên giao dịch thứ ba của tuần với báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước đó đã tăng 1,2 triệu thùng lên 480,2 triệu thùng - mức cao nhất kể từ tháng 5-2021 và là tuần tăng thứ 10 liên tiếp. Mức tăng này đã lấn át nhu cầu của Trung Quốc và trở thành yếu tố chính kìm hãm giá, khiến giá dầu chỉ tăng nhẹ chưa đến 1%.
Giá dầu tiếp tục tăng ở phiên giao dịch thứ tư của tuần với mức tăng khiêm tốn chưa đến 50 cent. Sự leo dốc này tiếp tục được thúc đẩy bởi các dấu hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc và lo ngại giảm bớt về các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ.
Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic, có ý kiến cho rằng Fed nên duy trì mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong nỗ lực tránh suy thoái kinh tế. Nhận xét của quan chức Fed này đã xoa dịu những lo ngại dấy lên trước đó về khả năng Fed tăng lãi suất nhanh hơn và lớn hơn sau dữ liệu thất nghiệp mạnh mẽ của Mỹ.
Trong khi kỳ vọng Fed hạ nhiệt tăng lãi suất, các nhà đầu tư lại khá quan ngại với khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất cao vì lạm phát tại khu vực đồng Euro đã tăng trong tháng 2 lên mức cao hơn dự kiến hàng năm là 8,5%,
Tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu quay đầu giảm tới hơn 2% vào đầu phiên nhưng sau đó đã có cú bứt phá ngoạn mục, lấy lại được những gì để mất và kết thúc phiên với mức tăng hơn 1 USD.
Tin đồn Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cân nhắc việc rời khỏi OPEC đã đẩy giá dầu Brent và WTI lao dốc. Tuy nhiên, sau khi các quan chức bác bỏ báo cáo về sự rạn nứt ngày càng tăng giữa UAE và Ả Rập Xê-út, giá dầu đã hồi phục trở lại.
Chốt phiên, dầu Brent dừng ở mức 85,83 USD/thùng, tăng 3,21% và dầu WTI ở mức 79,68 USD/thùng, tăng 4,4% so với tuần trước.
Giá dầu đã dao động trong phạm vi 75-80 trong nhiều tháng nay và giá hiện tại ít nhiều nằm ở giữa phạm vi đó. Mặc dù các nhà giao dịch đang trở nên lạc quan hơn về sự phục hồi của Trung Quốc, nhưng rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu có thể tăng lên khi kỳ vọng lãi suất tăng lên. Phạm vi dường như đang dần thắt chặt nhưng vẫn còn khá lớn và dường như không có ý định bứt phá vào thời điểm này.
Rủi ro giảm giá có thể leo thang trở lại trong tuần này khi Bộ Lao động công bố báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Hoa Kỳ cho tháng Hai. Báo cáo việc làm dự kiến sẽ cho thấy mức tăng trưởng việc làm chậm hơn với 215.000 trong tháng trước sau khi tăng vọt 517.000 vào tháng 01.
Sunil Kumar Dixit, chiến lược gia trưởng kỹ thuật tại SKCharting.com, cho biết WTI cần thiết lập trên 79,90 đô la vào tuần này để vượt qua ngưỡng kháng cự từ 80 đô la trở lên.
Dixit cho biết: “Mức kháng cự đầu tiên là 80,60 đô la, tiếp theo là 81,90 đô la, nếu được xác nhận, sẽ mở đường cho sự tăng giá hơn nữa đối với SMA 100 tuần, hay Đường trung bình động đơn giản là 84,10 đô la. Nhưng cũng có khả năng giá không vượt qua được 80,60 đô la, điều này có thể đẩy WTI trở lại vùng hỗ trợ 76,50 đô la”.