Sau thời gian giao dịch cầm chừng để chờ đợi kết quả cuộc họp OPEC+, dầu đã vọt lên mức cao nhất trong gần hai năm sau khi OPEC+ gây chấn động thị trường với quyết định hạn chế nguồn cung khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi sau đợt suy thoái do đại dịch gây ra.
Kết thúc phiên 5/3, giá dầu Brent tương lai tăng 2,62 USD, tương đương 3,9%, lên 69,36 USD/thùng, trong phiên có lúc lên cao nhất kể từ tháng 1/2020. Giá dầu WTI tăng 2,26 USD, tương đương 3,5%, lên 66,09 USD/thùng, chạm đỉnh 13 tháng ở 66,4 USD/thùng.
Chốt tuần, giá dầu Brent tăng 5,2%, tuần tăng thứ 7 liên tiếp, còn WTI tăng khoảng 7,4%.
OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, ngày 4/3 họp bàn chính sách sản lượng tháng Tư. Kết quả cuộc họp khiến thị trường bất ngờ. OPEC+ quyết định giữ nguyên nguồn cung hiện tại, chỉ riêng Nga và Kazakhstan được phép tăng sản lượng lần lượt thêm 130.000 thùng/ngày và 20.000 thùng/ngày.
Trong khi Arab Saudi thông báo tiếp tục tự nguyện giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày và dần kết thúc chính sách này trong những tháng kế tiếp.
Một năm trước, hoàng tử Arab Saudi Abdulaziz bin Salman al-Saud là người than rằng “các yếu tố tâm lý” và “kỳ vọng tiêu cực thái quá” đang cản trở thị trường dầu dù “lực cầu thế giới chịu tác động rất hạn chế”. Tuần trước, chính ông, với vai trò Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi, lại là người tìm cách hạn chế kỳ vọng về dầu từ thị trường.
Về lý do OPEC+ không tăng sản lượng, al-Saud viện dẫn các hạn chế xã hội mới được thành phố Milan, Italia, triển khai để ứng phó đại dịch Covid-19 đã khiến lực cầu thế giới giảm 20%.
Ngoài ra, canh bạc táo bạo và bất ngờ của Saudi Arabia nhằm hạn chế sản xuất dựa trên quan điểm cho rằng lần này giá cao hơn sẽ không dẫn đến sự gia tăng lớn về sản lượng của đá phiến Mỹ. Theo Hoàng tử Saudi Arabia, các công ty đá phiến hiện đang tập trung nhiều hơn vào việc chi trả cổ tức.
Các dự báo trong nội bộ OPEC, gồm 13 thành viên do Arab Saudi dẫn dắt, cho rằng thị trường có thể hấp thụ thêm 1,4 triệu thùng dầu/ngày.
Về số liệu, tăng trưởng việc làm tại Mỹ trong tháng 2 vượt kỳ vọng nhưng tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi nhiều, vẫn ở 6,2%.
Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất được Thượng viện thông qua hôm 6/3. Đây có thể là “liều thuốc tiên” cho kinh tế Mỹ. Dù vậy, Fed nhận định nền kinh tế số một thế giới khó tối đa hóa việc làm sớm trở lại.
Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 26/2 giảm mạnh kỷ lục 21,6 triệu thùng, xuống còn 484,6 triệu thùng, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Công suất lọc dầu giảm còn 56% công suất tối đa, chủ yếu do công suất lọc dầu khu vực vùng duyên hải vịnh Mexico của Mỹ xuống thấp kỷ lục.
Các ngân hàng lớn đã nâng dự báo giá, với một số cho rằng giá dầu sẽ đạt đỉnh 100 USD trong năm tới.
Cụ thể, Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent thêm 5 USD/thùng lên mức 80 USD trong quý 3. JPMorgan cũng tăng dự báo dầu Brent thêm 2-3 USD/thùng và Tập đoàn Ngân hàng Australia&New Zealand tăng mục tiêu ba tháng lên 70 USD. Còn Citigroup cho biết dầu thô Brent có thể đạt 70 USD trước cuối tháng này.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần triển khai thêm 01 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động lên 403, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.