Giá dầu thế giới tuần qua trải qua những biến động đáng chú ý, dù cuối tuần kết thúc trong sắc đỏ và ghi nhận tuần giảm nhẹ.
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng 65 cent, được hỗ trợ bởi rủi ro nguồn cung sau khi trạm bơm dầu Kropotkinskaya ở phía Nam nước Nga bị thiết bị bay không người lái tấn công khiến lượng dầu từ Kazakhstan đến thị trường thế giới bị gián đoạn. Giá dầu tăng còn bởi chỉ số USD dao động gần mức thấp nhất trong 2 tháng.
Cuộc tấn công nói trên đã khiến lượng dầu chảy qua đường ống giảm từ 30% đến 40%, tương đương với khoảng 380.000 đến 500.000 thùng dầu/ngày. Thực tế này khiến giá dầu tiếp tục leo dốc trong khoảng 1% ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần. Cũng hỗ trợ giá dầu là khả năng sản lượng tại Bắc Dakota - tiểu bang sản xuất lớn thứ 3 của Mỹ sẽ giảm tới 150.000 thùng/ngày do không khí lạnh đột ngột.
Giá dầu tiếp tục leo dốc ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần. Trong phiên này, giá dầu tăng nhẹ tối đa 40 cent lên mức cao nhất trong vòng 1 tuần.
Đà tăng của giá dầu được kéo dài sang phiên giao dịch thứ tư. Tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ giảm cùng với lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung ở Nga tiếp tục hỗ trợ giá dầu tăng gần 45 cent. Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho xăng giảm 151.000 thùng, tồn kho sản phẩm chưng cất giảm tới 2,1 triệu thùng.
Tuy nhiên, toàn bộ mức tăng của giá dầu trong 4 phiên giao dịch đã bị xóa mất ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Trong phiên này, giá dầu bất ngờ quay đầu lao dốc hơn 2 USD khi các nhà đầu tư phải vật lộn với mức phí bảo hiểm rủi ro Trung Đông đang giảm dần và sự không chắc chắn về một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine.
Theo John Kilduff, đối tác tại Again Capital ở New York, tình hình ở Trung Đông tương đối bình lặng, lệnh ngừng bắn ở Gaza vẫn được duy trì.
Song, sự gián đoạn nguồn cung dầu đã góp phần hạn chế đà giảm của giá, lưu lượng dầu qua Liên minh đường ống Caspian (CPC) - tuyến đường quan trọng xuất khẩu dầu thô từ Kazakhstan ra thị trường toàn cầu, đã giảm từ 30% đến 40% kể từ ngày 18/2.
Như vậy là trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu tăng 4 phiên và giảm duy nhất 1 phiên. Tuy nhiên, phiên giảm này lại mang tính quyết định. Chốt tuần, giá dầu Brent giảm 0,4% đóng cửa ở mức 74,43 USD/thùng. Giá dầu WTI mất 0,5%, chốt tuần ở mức 70,4 USD/thùng.
Trong bối cảnh giá dầu thô duy trì dưới mức 80 USD/thùng, nhà phân tích Alex Hodes tại StoneX kỳ vọng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) một lần nữa trì hoãn việc cắt giảm sản lượng trong bối cảnh giá dầu thô vẫn ở mức dưới 80 USD/thùng.
Trong tuần này, các nhà phân tích của JPMorgan dự báo, thời tiết lạnh giá ở Mỹ và hoạt động công nghiệp tăng trở lại sau kỳ nghỉ lễ ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy giá dầu thô thế giới.