Tuần qua, giá dầu gần như đi ngang sau các phiên giao dịch biến động mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã đảo ngược đà giảm của tuần giao dịch trước, tăng hơn 1% bởi sự lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc và chịu sự tác động bởi kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày, tương đương khoảng 5% sản lượng của Nga vào tháng 3 để đáp trả phương Tây vì đã áp đặt giá trần đối với dầu và các sản phẩm dầu mình.
Trong một báo cáo ngày 19/2, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết sự thiếu hụt nguồn cung dầu trong tương lai có thể đẩy giá dầu chinh phục lại mốc 100 USD/thùng vào cuối năm nay.
Trong phiên giao dịch kế tiếp, giá dầu Brent đã để mất gần như toàn bộ mức tăng của phiên trước đó. Dầu Brent giảm hơn 1% do những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các nhà đầu tư chốt lời.
Việc các nhà đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tăng lãi suất mạnh hơn gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu đã khiến giá dầu mất thêm hơn 2 USD ở phiên giao dịch thứ ba của tuần và chạm mức thấp nhất trong hai tuần. Ngoài ra, giá dầu còn chịu áp lực bởi dự trữ dầu của Mỹ tăng thêm 7,6 triệu thùng.
Theo Reuters, biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy phần lớn các quan chức Fed đồng ý rằng rủi ro lạm phát cao vẫn là "yếu tố chính" định hình chính sách tiền tệ và sẽ tiếp tục việc tăng lãi suất cho đến khi lạm phát được kiểm soát.
Tuy nhiên, với kỳ vọng Nga sẽ cắt giảm mạnh sản lượng vào tháng tới đã kéo giá dầu quay đầu tăng tốc 2%, lấy lại được một phần đã để mất ở những phiên trước đó.
Giá dầu tăng sau kế hoạch cắt giảm tới 25% sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Nga từ các cảng phía tây trong tháng 3, vượt quá mức cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày đã công bố trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch đầy biến động cuối cùng của tuần, giá dầu tăng nhẹ gần 1 USD. Với mức tăng khiêm tốn chỉ 95 cent đối với giá dầu Brent và 93 cent đối với giá dầu WTI ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần, cả hai mặt hàng dầu chuẩn này đã kết thúc tuần giao dịch ở thế trái chiều sau nhiều tuần cùng biến động tăng hoặc giảm.
Khối lượng giao dịch thấp hơn đã góp phần gây ra sự biến động, với giao dịch dầu Brent ở mức 58% và giao dịch dầu WTI ở mức 90% so với mức của phiên trước đó.
Tính đến ngày 24/2/2023, tròn 1 năm diễn ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá dầu Brent đã mất 15% so với 1 năm trước đó. Giá dầu này đã đạt mức cao nhất trong 14 năm là gần 128 USD/thùng vào ngày 8/3/2022.
Dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết, số giàn khoan dầu tại Mỹ đã giảm 7 giàn xuống 600 giàn trong tuần này, trong khi tổng số giàn khoan vẫn tăng 103 giàn (tương đương 15,8%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Các dấu hiệu cho thấy sản phẩm dầu thô và tinh chế của Nga đang bị dồn lại trên các tàu chở dầu trôi nổi trên biển cũng cho thấy sự gia tăng nguồn cung.
Trong tuần, JP Morgan cho biết giá dầu trong ngắn hạn có khả năng sẽ giảm xuống mức 70 USD/thùng thay vì khi ngày càng có nhiều lực cản đối với tăng trưởng toàn cầu và lượng tồn kho tăng cao. JP Morgan dự báo OPEC sẽ cắt giảm sản lượng để hạn chế đà sụt giảm giá dầu.